Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển và bảo vệ rừng bền vững

Nguyễn Mai| 22/02/2017 06:25

(HNM) - Diện tích rừng ở Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng...

Còn vi phạm trong quản lý rừng

Xã Yên Bài, huyện Ba Vì là một trong những điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của TP Hà Nội. Toàn xã có 1.500ha rừng, nhiều năm qua xã không để xảy ra cháy và “mất” rừng. Ông Nguyễn Văn Định, thôn Mít Mái cho biết, do địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức bảo vệ rừng của người dân khá cao. Ngoài ra, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng được trang bị các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ rừng, nhất là việc xử lý nhanh với các tình huống bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả. Không riêng xã Yên Bài, thời gian qua diện tích rừng trên địa bàn thành phố cơ bản được bảo vệ tốt, hầu như không xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép quy mô lớn; việc khai thác rừng được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.


Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn tuần tra bảo vệ rừng.Ảnh: Bá Hoạt


Tuy nhiên, ở một vài nơi do quản lý, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ đã xảy ra một số vi phạm. Trên địa bàn huyện Sóc Sơn, diện tích rừng phòng hộ của huyện vẫn chưa được đo đạc, cắm mốc giới ngoài thực địa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử, năm qua, rừng trên địa bàn xã Minh Trí giáp ranh với xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra tranh chấp. Một người dân xã Ngọc Thanh đã vào rừng chặt phá 125 cây keo mà phía huyện Sóc Sơn cho rằng số cây này thuộc rừng phòng hộ do huyện quản lý.

Tương tự, diện tích rừng do Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) quản lý tại 7 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng tồn tại những bất cập. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trước đây, rừng Sóc Sơn là rừng sản xuất, vì vậy đất thổ cư, ruộng vườn, nương rẫy của nhân dân nằm xen kẽ. Sau khi Nhà nước cho phép chuyển sang rừng phòng hộ nên người dân vẫn sinh sống trong rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đáng nói, đến nay Trung tâm vẫn chưa có quyết định giao đất, giao rừng hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Do vậy, Trung tâm chỉ có thể ký hợp đồng giao khoán rừng ngắn hạn cho hơn 200 hộ dân. Tại huyện Ba Vì, Hạt Kiểm lâm Ba Vì quản lý 9.867ha rừng, trong đó hơn 6.000ha là rừng đặc dụng, việc quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn do rừng nằm xen lẫn với khu dân cư.

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ khai thác rừng trái phép; 34 vụ cháy rừng, tăng 22 vụ so với cùng kỳ, làm ảnh hưởng 19,6ha rừng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về bảo vệ rừng, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức của một số chủ rừng và người dân về công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng chưa cao. Bên cạnh đó, việc đo đạc cắm mốc giới, giao đất, giao rừng trên địa bàn thành phố chậm là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Đẩy mạnh giao đất, giao rừng

Hiện nay, TP Hà Nội có gần 27.760ha rừng và đất lâm nghiệp (diện tích có rừng hơn 20.000ha) được phân bố tại 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất). Rừng ở Hà Nội được chia làm 3 loại gồm rừng phòng hộ khoảng 4.050ha, rừng đặc dụng gần 10.200ha và rừng sản xuất gần 5.280ha. Đây là nhân tố thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ ngơi cuối tuần của Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương có rừng, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân nên công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: Về cơ bản, Hà Nội vẫn chưa triển khai giao đất, giao rừng. Nói đúng hơn, rừng chưa có "chủ" mà hiện tại đang giao cho UBND các xã nên có sự buông lỏng quản lý. Ngoài ra, trình độ của cán bộ quản lý lâm nghiệp ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Hiểu biết pháp luật của người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng hạn chế, công tác giáo dục tuyên truyền chính sách pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp...

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho rằng: Để bảo vệ và phát triển rừng phải đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng trên địa bàn thành phố, đồng thời phân giới, cắm mốc rừng để thuận lợi cho công tác quản lý. Tuy nhiên, hai việc quan trọng này đang triển khai chậm. Nguyên nhân được cho là có sự chồng chéo quản lý. Sở NN&PTNT là cơ quan được thành phố giao quản lý về cây rừng nhưng quản lý về đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường, trong khi để định giá rừng lại thuộc Sở Tài chính. Quá trình thực hiện liên quan đến nhiều thủ tục nên thời gian kéo dài. Để định giá rừng phải phân loại được từng loại rừng, đo đạc diện tích, xây dựng bản đồ, cần có lộ trình thực hiện.

Việc phân giới, cắm mốc rừng cũng cần thực hiện sớm để làm căn cứ giao đất, giao rừng, đồng thời quản lý hiệu quả diện tích rừng giữa các địa phương, đơn vị. Cùng với đó, phải đưa người dân vùng đệm tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Ngoài hỗ trợ về vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, các địa phương có đất lâm nghiệp đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn và bảo đảm người dân có thể sinh sống bằng nghề trồng rừng để giảm tác động tới rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển và bảo vệ rừng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.