Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017

Đặng Loan| 10/03/2017 07:16

(HNM) - Ngày 9-3, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2017”. Với chủ đề


Tình hình thế giới năm 2017 được các chuyên gia dự báo là đang biến đổi, rất khó đoán và có thể tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thế giới có biến đổi, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không thực hiện nhưng với các hiệp định thương mại tự do đã ký, Việt Nam đủ dư địa để tiếp tục hội nhập. Sự phát triển của Việt Nam vẫn được quyết định bởi yếu tố trong nước, mà điểm mấu chốt là cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên thực tế, Việt Nam hiện đang có 16 FTA đã ký kết và đang đàm phán, trong đó Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) gồm ASEAN+6 có thể thay thế TPP. Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta không tính được rủi ro nhưng có được khả năng ứng biến trước rủi ro, vì vậy phải nâng cao năng lực trong nước để đủ khả năng ứng biến trước những biến động của thế giới. Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng có thể đặt “ngôi sao hy vọng” vào năm 2017.

Các dẫn chứng ông Lộc nêu ra là Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) vừa công bố kết quả khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào thị trường Châu Á, trong đó Việt Nam giữ vị trí "vô địch” với hơn 66% DN Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2017. Con số này ở Malaysia 43%, Trung Quốc 40%..., cho thấy DN Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Báo cáo môi trường đầu tư kinh doanh của các DN Châu Âu cũng đưa ra con số tương tự với quy mô đầu tư của các DN Châu Âu tại Việt Nam tăng hơn so với trước. Các DN trong nước cũng có nhiều niềm tin vào sự cải thiện môi trường kinh doanh.

Dựa trên động thái mạnh mẽ của Chính phủ, xem xét từ góc độ kinh tế thế giới và Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, những mục tiêu phát triển kinh tế năm 2017 của Chính phủ là khả thi. Ông Trần Du Lịch nhận định, hiện Chính phủ đang tập trung hai vấn đề: Quyết định du lịch làm ngành mũi nhọn; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cao là tín hiệu để thay đổi cấu trúc kinh tế đã được đề cập trước đây. Trong năm 2017, những quyết sách, những nỗ lực để tái cơ cấu trên từng lĩnh vực sẽ có kết quả cụ thể hơn. Theo ông Trần Du Lịch, chưa bao giờ Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách quyết liệt như hiện nay, tuy nhiên, cần cải cách đồng bộ hơn, bởi nếu như nỗ lực chỉ từ Chính phủ mà hệ thống hành chính không thể thay đổi thì hiệu quả sẽ rất thấp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội để duy trì mức tăng trưởng cao; Chính phủ cũng đang quyết liệt xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động; xác định khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế; tái định hướng phát triển nền nông nghiệp để tăng tốc nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Với ba căn cứ nêu trên, nền kinh tế năm 2017 đã có động thái phát triển mới, mạnh mẽ và đáng tin cậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.