Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình chợ hàng rong hợp pháp

Thanh Tàu| 24/04/2017 06:58

(HNM) - Sau một năm triển khai khu vực dành cho người bán hàng rong tại chợ Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), 20 hộ dân nghèo giờ đây đã không còn cảnh nơm nớp lo sợ và bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra.

Ảnh: Trí thức trẻ


Cứ đến 18h là 20 hộ dân bắt đầu đẩy xe hàng rong ra trước chợ Phạm Văn Hai để bán hàng tại vị trí đã được đánh dấu sẵn. Mỗi hộ kinh doanh được Ban quản lý chợ bố trí một vị trí trong khu đất của chợ nhưng sát vỉa hè, giúp người đi bộ dễ dàng dừng mua hoặc ghé ăn uống thuận tiện. Các hộ kinh doanh đủ các món như bún chả cá, mì Quảng, cơm, phở và nhiều mặt hàng thức uống… nên thu hút lượng khách rất đông.

Chị Lê Thị Thanh Huyền cho biết: “Từ khi được mời vào chợ, người bán hàng rong như tôi rất vui mừng, không phải chạy tán loạn khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, cảnh giành giật vỉa hè, lề đường cũng chấm dứt”. Tương tự, bà Nguyễn Hoàng Lê Trân bán chè cho hay: "Vào khu chợ hàng rong, công việc buôn bán hiệu quả và thuận lợi hơn nhiều trước kia, thu nhập cũng ổn định". Còn ông Phạm Tấn Hiếu chia sẻ: "Ngày chúng tôi được Ban quản lý mời lên để sắp xếp vào chợ buôn bán, ai cũng vui và bất ngờ. Ban quản lý chợ còn cho học các lớp về an toàn vệ sinh thực phẩm".

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, thực hiện chủ trương của thành phố và quận về việc lập lại trật tự đô thị, trong đó có việc bố trí nơi buôn bán tập trung cho những người bán hàng rong, quận đã triển khai thí điểm sắp xếp khu vực cho những người thường xuyên buôn bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn ở chợ Phạm Văn Hai. Kết quả hoạt động của chợ kể từ khi đi vào hoạt động đầu năm 2016 đến nay cho thấy rõ hiệu quả và tính nhân văn của mô hình.

Ông Thái Bình Sơn, Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết, khu chợ hàng rong hợp pháp này hoạt động được hơn một năm, với 20 hộ buôn bán, hoạt động từ 18h đến 23h mỗi ngày. Mỗi hộ kinh doanh sẽ đóng mức phí mặt bằng áp dụng theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh là hơn 300.000 đồng/tháng, còn lại được miễn các loại phí về điện, nước, vệ sinh. Đặc biệt, 20 hộ buôn bán hàng rong thường xuyên được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Về định hướng tới đây, ông Lê Thanh Bình cho biết, UBND quận sẽ tiếp tục khảo sát địa điểm mới và dự kiến triển khai tiếp mô hình này ở chợ Tân Bình và chợ Bàu Cát.

Trong bối cảnh các địa phương đẩy mạnh lập lại trật tự đô thị bằng nhiều giải pháp nhưng vẫn băn khoăn hướng đi cho những "gánh hàng rong" - vốn là "cần câu cơm" của nhiều người nghèo, thì mô hình chợ hàng rong hợp pháp ở quận Tân Bình là một gợi ý thiết thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình chợ hàng rong hợp pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.