Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội "hiến kế" xử lý nợ xấu

Bảo Hân| 07/06/2017 16:43

(HNMO) - Sáng 7-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Cần nghiêm trị tổ chức, cá nhân cố tình lừa đảo

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: Như Ý


Bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu trong thời điểm hiện nay, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng đây là giải pháp tốt nhất, tạo hành lang pháp lý để xử lý kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và ổn định, tạo niềm tin của người dân.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, ĐB Phương đề cập đến ý thức của người dân trong quá trình vay vốn khi không thực hiện đúng mục đích vay vốn và thậm chí kinh doanh mạo hiểm, sai mục đích, mua xe sang để đi.

"Xã hội có câu vui "tiền thì tiền ngân hàng, người thì người trại giam" nên cứ vay vốn mua xe sang để đi" - ĐB nêu. Do đó, điều quan trọng là Nghị quyết có giá trị nâng cao nhận thức của người vay. Kể từ nay những người vay phải có ý thức thực hiện đúng nguồn kinh phí của mình. Nếu như anh thua lỗ thì anh phải chịu thế chấp tài sản đó để cho tổ chức tín dụng bán và anh cũng chấp nhận. Đó là điều cả người vay và tổ chức tín dụng cũng không mong muốn nhưng phải chấp nhận.

"Người đi vay nợ khi đến gặp chủ nợ, họ tìm mọi cách hứa thật nhiều, kể cả thế chấp tài sản bảo đảm để mong muốn vay cho được. Trở về với "tiền tươi thóc thật" nhưng oái ăm thay, đến hạn họ không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ỳ. Dù là vì lý do gì đi nữa thì đây là một thói hư, tật xấu mà theo tôi xã hội chúng ta cần phải lên án" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu.

ĐB cũng bày tỏ sự đồng tình cao khi Quốc hội khóa XIV quy định xử lý hình sự các trường hợp vay, mượn, thế chấp tài sản nhưng đến hạn trả, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt.

ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị).


ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhấn mạnh một vấn đề hiện nay, thậm chí có thể gọi là "quốc nạn" đang hiện hữu. Đó là một số ngân hàng đang là con tin của các con nợ lớn. Nền kinh tế của chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng ngân hàng.

Vì vậy, ĐB Sinh cho rằng cần phải nghiêm trị đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, lừa đảo, lộng hành, thao túng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, lập lại trật tự kỷ cương, làm lành mạnh thị trường tiền, tệ tài chính của quốc gia

Sớm có báo cáo cụ thể ai đang gây ra nợ xấu?

"Hiến kế" để xử lý nợ xấu tại diễn đàn QH, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị các ĐBQH, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cần yêu cầu ngân hàng sớm có báo cáo chi tiết cụ thể tên của các tổ chức, cá nhân nào đang gây ra nợ xấu.

Trên cơ sở đó, QH sẽ xem xét, nếu tổ chức, cá nhân nào thực sự đang gây ra nợ xấu do thiên tai, bão lũ và đề nghị QH xem xét xóa nợ.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).


Tổ chức, cá nhân nào gây ra những nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng thì đề nghị "truy tận gốc, trốc tận ngọn", không cho phép nhập nhằng nợ xấu.

"Chỉ có như thế chúng ta mới bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những ai gây ra nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, phải đối mặt với Bộ luật hình sự" - ĐB Khánh nhấn mạnh.

Cùng đoàn Hà Nội, ĐB Hoàng Văn Cường bày tỏ tin tưởng, sự ra đời của nghị quyết thực chất là Quốc hội cho phép các tổ chức mua bán nợ, tổ chức tín dụng được phép sử dụng một biện pháp mạnh, cứng rắn đối với các chủ nợ không chịu hợp tác với các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Do đó, Nghị quyết sẽ giúp xử lý nhanh những khoản nợ xấu tồn đọng và giảm các con nợ cố tình chây ỳ làm phát sinh những khoản nợ xấu mới.

"Tuy nhiên, bớt đi một cái xấu cho các tổ chức tín dụng nhưng không được tạo ra những nguy cơ làm phát sinh những cái xấu mới cho xã hội" - ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)


Trong giải trình làm rõ các vấn đề mà ĐB nêu cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp thu và khẳng định: Định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là kiểm soát ổn định vĩ mô, tạo điều kiện tăng cường năng lực thanh tra giám sát; yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường năng lực quản trị điều hành để hạn chế phát sinh nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội "hiến kế" xử lý nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.