Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Bám sát nhu cầu thực tế

Đào Huyền| 12/07/2017 06:38

(HNM) - Chính phủ vừa họp với bộ, ngành liên quan lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP (Nghị định 210) ngày 19-12-2013 của Chính phủ về


Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Gập ghềnh vốn, thủ tục...

Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị định 210 đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa sát với nhu cầu thực tiễn nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tính đến cuối năm 2016, chỉ có hơn 4.424 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Quy mô doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, thậm chí có gần 50% doanh nghiệp có quy mô dưới 10 lao động. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Đáng nói, sau 3 năm thực hiện nghị định chỉ thu hút được 64 dự án ở 23, tỉnh, thành phố của cả nước (trong đó phần nhiều là các dự án của doanh nghiệp đăng ký thêm).

Nghị định quy định Nhà nước hỗ trợ vốn, nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trí cho 64 dự án này sau mỗi năm lại... bớt đi một nửa. Cụ thể, năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng; năm 2016 là 78 tỷ đồng và năm 2017 chỉ còn 32 tỷ đồng, trong tổng số 380 tỷ đồng mà Nhà nước cam kết. Trong khi để thực hiện 64 dự án trên cần mức đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, nguồn kinh phí ngân sách bảo đảm thực hiện Nghị định còn thấp và chậm. Nghị định 210 có hiệu lực ngày 10-2-2014, nhưng đến cuối năm 2015 ngân sách trung ương mới bố trí vốn hỗ trợ cho các dự án đủ điều kiện do các địa phương thẩm định và đề xuất. Hầu hết địa phương còn khó khăn trong cân đối ngân sách nên chưa quan tâm dành từ 2% đến 5% ngân sách để thực hiện theo quy định. Năm 2017, Chính phủ có chủ trương giao tổng số vốn ngân sách trung ương để các địa phương chủ động bố trí thì các địa phương lại ưu tiên vốn cho các dự án phát triển hạ tầng, ít bố trí vốn cho các dự án thực hiện theo Nghị định 210.

Ngoài ra, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế như điều kiện được hưởng thụ chính sách. Theo quy định, để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Mía đường 1 Nguyễn Văn Hội cho rằng, thủ tục hành chính còn rườm rà. Doanh nghiệp phải thực hiện khoảng 16 bước với khoảng 40 văn bản liên quan để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ, nhất là thủ tục hành chính về xây dựng, đất đai, môi trường… còn phức tạp.

Bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ

Trước kiến nghị của doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu nhằm khắc phục những hạn chế trong Nghị định 210. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết: Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các vấn đề: Mở rộng diện doanh nghiệp, dự án được Nhà nước hỗ trợ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn phát triển thị trường, làm thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Dự thảo nghị định mới cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ về miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai. Song nhiều ý kiến cho rằng, tích tụ ruộng đất đang là hạn chế lớn nhất trong đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc này, các giải pháp cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự thảo vẫn còn những bất cập so với pháp luật hiện hành nên không dễ thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, nghị định mới hướng dẫn thực hiện nhiều luật, gồm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… nhưng để xử lý triệt để các vướng mắc nêu trên thì cần phải sửa lại các luật. “Về tích tụ ruộng đất, nghị định không xử lý được mà phải sửa Luật Đất đai. Về hỗ trợ vốn thì phải sửa luật về thuế… Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ lựa chọn các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xây dựng thành khuôn khổ pháp lý” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhấn mạnh.

Trên thực tế, nông nghiệp đang có vị trí lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị xuất khẩu từ các mặt hàng nông sản cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, bền vững. Theo ông Lê Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kết nối xanh: Doanh nghiệp không quá trông chờ vào nguồn vốn mà cần có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc dựa trên những nhu cầu thực tiễn. “Nghị định sửa đổi cần bám vào những tiêu chí cụ thể mang tính đặc trưng của ngành Nông nghiệp...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Bám sát nhu cầu thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.