Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3

Gia Khoa| 03/08/2017 06:54

(HNM) - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ lần 3, vượt tiến độ chế biến dầu thô 10 ngày so với kế hoạch, đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước gần 303 tỷ đồng.

Các kỹ sư theo dõi quá trình dừng hoạt động phân xưởng RFCC tại trung tâm điều khiển của nhà máy.


Ngày 5-6-2017, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bắt đầu dừng vận hành để bảo dưỡng tổng thể lần 3 theo kế hoạch. Gần 2 tháng qua, hơn 4.000 nhân sự của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cùng các nhà thầu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm việc suốt ngày đêm trên công trường để bảo dưỡng tổng thể lần 3 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3 chia thành 7 gói thầu chính, với hơn 7.500 đầu mục công việc, trong đó khoảng 2.150 hạng mục thiết bị tĩnh, 3.475 thiết bị tự động hóa, 303 thiết bị điện và 56 thiết bị quay…

Theo kế hoạch, BSR có 52 ngày để bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trong đó có 38 ngày tập trung để bảo dưỡng, còn lại là thời gian dừng máy, khởi động, vận hành chạy lại nhà máy. Đến ngày 25-7-2017, BSR đã chính thức hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3 khi khởi động lại thành công phân xưởng RFCC (phân xưởng quan trọng nhất và hoàn thành bảo dưỡng cuối cùng) và vận hành đạt 100% công suất thiết kế, vượt tiến độ hơn 1 ngày so với kế hoạch đề ra (tương đương kế hoạch chế biến dầu thô thêm 10 ngày).

Các nhà thầu tham gia bảo dưỡng tổng thể lần 3 đều có năng lực và nhiều kinh nghiệm, có tiến độ đề xuất và chi phí hợp lý. Ba nhà thầu nước ngoài đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc có kinh nghiệm bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu trên thế giới, đã tham gia bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất các lần trước đó.

Tham gia bảo dưỡng tổng thể lần này ngoài lực lượng nhân sự của các nhà thầu, còn có sự đóng góp tích cực của hơn 1.200 kỹ sư, công nhân của BSR. Khác với các đợt bảo dưỡng tổng thể trước, khi lập kế hoạch, phương án và các giải pháp kỹ thuật phần lớn nhờ chuyên gia nước ngoài, thì lần này do chính các nhân sự của BSR quyết định. Bên cạnh đó, BSR đã tự thực hiện nhiều hạng mục công việc quan trọng, phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao, như bảo dưỡng thiết bị quay, thiết bị điện, tự động hóa và các hệ thống điều khiển DCS…

Tất cả quy trình bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm nhà máy hoạt động an toàn, liên tục, ổn định, hiệu quả sau khi vận hành trở lại. Trước đó, ngày 11-7, phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) - một trong những phân xưởng công nghệ đầu tiên đã hoàn thành bảo dưỡng và khởi động vận hành trở lại, các phân xưởng công nghệ khác, các phân xưởng phụ trợ và các hạng mục ngoại vi cũng đã hoàn thành bảo dưỡng (về đích sớm so với kế hoạch 15-20 ngày) và vận hành ổn định, sản phẩm sản xuất ra đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Nhà máy vận hành sớm đã duy trì tổng lượng dầu thô chế biến trong giai đoạn này khoảng 1,34 triệu thùng dầu, cung cấp gần 130.000 tấn sản phẩm các loại, bảo đảm cung ứng nguồn hàng xăng dầu cho thị trường trong nước được liên tục, ổn định trong thời gian bảo dưỡng tổng thể lần 3 và cam kết đối với các khách hàng, mang lại lợi nhuận cho BSR khoảng 295 tỷ đồng.

Ngoài ra, BSR còn đạt được các mục tiêu về an toàn với hơn 1,76 triệu giờ công an toàn trong bảo dưỡng tổng thể lần 3, nâng số giờ công an toàn tích lũy của công ty đến nay hơn 13,1 triệu giờ, cũng như vượt chỉ tiêu về giảm chi phí. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được các kỹ sư của BSR áp dụng nhằm rút ngắn tiến độ, giảm chi phí. Qua đợt bảo dưỡng này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ nâng cao được độ an toàn và tin cậy của các thiết bị, vận hành ổn định ở mức trên 110% công suất và kéo dài thời gian hoạt động sau bảo dưỡng lần này là tăng từ 3 năm lên 4 năm.

Thành công của nhà máy lọc dầu lần 3 đã giúp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành, cho ra sản phẩm sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch, góp phần tăng thêm doanh thu cho BSR hơn 1.507 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 303 tỷ đồng và mang lại thêm gần 300 tỷ đồng lợi nhuận. Cùng với các chỉ tiêu kết quả sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017, BSR đã nộp ngân sách nhà nước 4.600 tỷ đồng (vượt 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch), tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11,5% - rất cao trong ngành lọc hóa dầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu cổ phần hóa và IPO sắp tới của BSR, tạo tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bộ Công Thương đã có quyết định về việc xác định giá trị của Công ty BSR (thuộc Tập đoàn PVN) để cổ phần hóa. Giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31-12-2015 là 72.879.914.663.162 đồng, tương đương 3,2 tỷ USD; trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa. Dự kiến, BSR sẽ cổ phần hóa vào cuối năm nay và chào bán khoảng 5-6% cổ phần. Phần còn lại, BSR tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để phát triển hóa dầu, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Sản lượng sản xuất lũy kế của Công ty BSR từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay đạt khoảng 47 triệu tấn, với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD; trong đó, lũy kế số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.