Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần công khai lịch bảo dưỡng tuyến ống dẫn nước sạch

Bảo Nga - Thùy Ngân| 19/08/2017 07:57

(HNM) - Mấy ngày nay, hàng vạn cư dân khu vực phía Tây Nam Hà Nội lo lắng trước thông tin Công ty cổ phần Viwaco (Viwaco) tạm ngừng cấp nước sinh hoạt để sửa chữa định kỳ đường ống truyền tải. Đa số ý kiến người dân cho rằng: Đơn vị cung cấp nước cần công khai kế hoạch sửa chữa định kỳ...

Ông Vũ Xuân Bình - Bí thư Chi bộ khu dân cư Đại Kim - Định Công: Sớm hoàn thành trạm bơm tăng áp, bể chứa

Nhận được thông báo tạm ngừng cấp nước, sửa chữa đường ống định kỳ của Viwaco, chúng tôi càng thêm lo. Thực tế, người dân Khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai) đã sống trong cảnh thiếu nước từ bao lâu nay. Khu đô thị này là nơi sinh sống của khoảng 2.000 hộ dân, nằm ở vị trí cuối nguồn nên tình hình cấp nước luôn gặp khó khăn. Việc xây dựng trạm bơm tăng áp và bể chứa cho khu vực này cũng chưa hoàn thành.

Người dân xếp hàng lấy nước sạch Ảnh minh họa: Tiền phong



Một tuần trước khi nhận được thông báo tạm ngừng cấp nước, chúng tôi đã sống trong cảnh thiếu nước. Hiện người dân Khu đô thị Đại Kim rất bức xúc vì tình trạng thiếu nước sạch, có ngày nước sạch chỉ đủ để rửa mặt, người dân san sẻ nhau từng xô nước, có người đã bán nhà vì không chịu đựng được cảnh này. Ngoài việc đơn vị quản lý cấp nước phải điều phối nước hợp lý thì điều cần thiết nhất hiện nay của Khu đô thị Đại Kim là sớm hoàn thành trạm bơm tăng áp và bể chứa cấp nước cho nhân dân.

Ông Lương Hữu Công - Giám đốc Xí nghiệp 1 (Công ty Dịch vụ nhà ở và Khu đô thị - HUDS): Thông báo đến người dân để có biện pháp dự trữ nước


Nhận được thông báo dừng cấp nước của Viwaco, HUDS đã thông báo đến các hộ dân ở Khu đô thị Linh Đàm để có biện pháp dự trữ và tiết kiệm nước khi sử dụng. Khu đô thị Linh Đàm đang sử dụng 53% sản lượng nước từ Viwaco, còn lại lấy nguồn từ trạm cấp nước Linh Đàm và Pháp Vân do HUDS khai thác. Nếu thiếu nước của Viwaco tức là thiếu một nửa số nước so với nhu cầu sử dụng. Ngay cả khi có nước trở lại, vì ở cuối nguồn nên phải mất một tuần việc cấp nước mới ổn định. Nếu không có dự trữ, người dân về muộn sẽ vẫn thiếu nước dùng. Trong trường hợp thiếu trầm trọng, chúng tôi sử dụng xe stéc để cấp cục bộ. Về lâu dài vẫn phải chờ đường nước Sông Đà số 2 và các dự án khai thác nước sạch khác để khi mất nguồn nọ thì có nguồn kia cấp bù trừ.

Bà Nguyễn Kiều Ly (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm): Khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nước

Dù rất thông cảm với nguồn cấp nước hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nhưng có ở trong hoàn cảnh đi xin từng xô nước để sinh hoạt hằng ngày mới thấu hiểu nỗi bí bách của người dân. Đến hẹn lại lo, đến mùa lại khát, người dân khu vực đường K2 phường Cầu Diễn lúc nào cũng mong mỏi sớm cải thiện tình trạng thiếu nước sạch. Điều đáng nói là các thông báo tạm dừng cấp nước, sự cố… luôn đặt người dân vào thế bị động, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, đơn vị cấp nước cần công khai các kế hoạch công tác, tập trung xây dựng trạm bơm tăng áp, cải tạo trạm cấp nước, bổ sung tuyến ống, vận hành mạng lưới cấp nước kết hợp với phân khu cấp nước theo giờ… để người dân được biết khu vực mình ở có được quan tâm bổ sung, điều tiết hợp lý nguồn nước hay không. Đơn vị cấp nước phải khắc phục triệt để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nước.

Bà Nguyễn Thị Lược, phố Trần Bình, phường Mai Dịch, Cầu Giấy: Xây dựng kế hoạch sửa chữa đường ống cụ thể


Về thông báo tạm ngừng cấp nước để sửa chữa bảo dưỡng định kỳ tuyến ống truyền tải lần này, dường như Viwaco đã không "lường" trước những hệ lụy sẽ gây ra cho hàng vạn khách hàng. Chưa kể, trong điều kiện dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc các hộ dân tích trữ nước sẽ tạo môi trường lý tưởng để muỗi sinh sôi, nguy cơ gây bùng phát bệnh dịch.

Cần khẳng định, quá trình vận hành tuyến ống truyền tải, việc bảo dưỡng, sửa chữa là điều cần làm. Tuy nhiên, do việc tạm ngừng cấp nước của Viwaco ngay trong thời gian cao điểm nắng nóng hiện nay sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân, do đó nhà cung cấp cần xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ hằng năm và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, tại mỗi kỳ sửa chữa, bảo dưỡng, Viwaco phải lên kế hoạch cụ thể, thậm chí huy động sự vào cuộc của các đơn vị bạn để bảo đảm cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần công khai lịch bảo dưỡng tuyến ống dẫn nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.