Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến tính hiệu quả

Minh Ngọc| 04/10/2017 06:42

(HNM) - Năm 2017, dự kiến có hơn 23 nghìn lao động nông thôn của Hà Nội được dạy nghề theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Hết quý III, công tác đào tạo nghề vẫn chưa được triển khai khiến nhiều người băn khoăn.


Khó hoàn thành mục tiêu

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần giải quyết việc làm và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 (Quyết định 1956). Giai đoạn 2010-2016, TP Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trình độ sơ cấp (3 tháng) cho gần 160 nghìn lao động nông thôn.

Hướng dẫn nghề may cho lao động nông thôn tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền



Đối tượng được hỗ trợ là lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất và lao động nữ bị mất việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp. Sau khi học nghề, đa số lao động nông thôn tìm được việc làm hoặc tự tạo ra việc làm mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Chị Phạm Thu Hường, trú tại thôn La Thiện, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho biết: “Nhờ được hỗ trợ học nghề may công nghiệp, tôi có nghề, có việc làm ổn định ngay tại địa phương. Với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, tôi có thể đầu tư cho con cái học hành đầy đủ”. Tương tự gia đình chị Phạm Thu Hường, nhiều cá nhân có tương lai tươi sáng, nhiều gia đình thoát khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo sau khi được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm.

Theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 30-3-2017 của UBND TP Hà Nội, trong năm nay, toàn thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 23 nghìn lao động nông thôn, trong đó có hơn 13 nghìn người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp. Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã tiến hành thống kê, rà soát, lập danh sách đối tượng học nghề. Nguồn kinh phí hỗ trợ tuy đã được cân đối, bố trí, song do chưa có định mức chi phí đào tạo nghề nên các địa phương chưa có căn cứ để triển khai. Hệ quả là các chương trình, mục tiêu, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 khó có thể hoàn thành. Nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã chuyển hướng học nghề, gây không ít khó khăn cho cả phía người học và các cơ sở liên kết đào tạo.

Đào tạo nghề gắn với đầu ra

Lý giải nguyên nhân “ách tắc” kế hoạch dạy nghề, ông Lê Minh Thảo, Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, bên cạnh những kết quả khả quan, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố cũng bộc lộ nhiều bất cập. Một số ngành, nghề không phù hợp với hình thức đào tạo ngắn hạn, khó ứng dụng ở khu vực nông thôn, cần được thay thế bằng các ngành, nghề khác. Một số nghề đang khủng hoảng thừa, nếu tiếp tục đào tạo sẽ rất lãng phí, trong khi các nghề xã hội đang cần lại không có trong danh mục được hỗ trợ. Hơn nữa, chương trình đào tạo nghề chưa có sự thống nhất, gây khó cho người học và ảnh hưởng đến kết quả đầu ra. Vì vậy, cùng với mục tiêu dạy nghề cho hơn 23 nghìn lao động nông thôn trong năm 2017, TP Hà Nội đặt ra yêu cầu có ít nhất 80% lao động sau học nghề phải làm nghề mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thống kê, rà soát lại xem ngành, nghề nào cần mở rộng, ngành, nghề nào nên tạm dừng đào tạo. Căn cứ vào nhu cầu của người học và đòi hỏi của thị trường, danh mục đào tạo nghề theo Quyết định 1956 trên địa bàn TP Hà Nội giảm từ 49 nghề xuống còn 33 nghề. Sau khi xác định rõ những ngành, nghề cần hỗ trợ đào tạo, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề, đơn vị sử dụng lao động biên soạn chương trình đào tạo thống nhất đối với từng loại nghề để áp dụng rộng rãi trên toàn thành phố, đồng thời xây dựng định mức chi phí đào tạo nghề làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện.

“Nội dung chương trình đào tạo, chi phí đào tạo được xây dựng càng tỉ mỉ, khoa học sẽ càng thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, cho nên không thể nóng vội. Kế hoạch đào tạo nghề năm 2017 có thể gối sang những tháng đầu năm 2018”, ông Lê Minh Thảo nói.

Ông Nguyễn Đức Đương, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty cổ phần Chế tạo máy điện Việt Nam - Hungary đánh giá, mục tiêu đào tạo nghề gắn liền với chất lượng, hiệu quả, bảo đảm cho người học có việc làm, tăng thu nhập là hướng đi đúng của TP Hà Nội, bởi thị trường đang rất thiếu những lao động được đào tạo bài bản, khoa học. “Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên, bao gồm người học, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo có thể cung cấp cho thị trường nguồn lực lao động vừa đủ. Người lao động học nghề xong không lo không tìm được việc làm phù hợp, doanh nghiệp cũng khắc phục được tình trạng khát nhân công”, ông Nguyễn Đức Đương phân tích.

Được biết, liên Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020. Hy vọng, định mức chi phí đào tạo nghề sớm được phê duyệt, tạo căn cứ cho các ngành, địa phương hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến tính hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.