Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Nguyễn Lê| 23/10/2017 06:46

(HNM) - Chuyện hàng nghìn con lợn, dù không đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn “tuồn” được vào chợ đầu mối trong ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện “lệnh cấm” cho thấy, đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn của thành phố còn lắm gian nan.

Quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn vẫn còn khó khăn.


Chưa tìm được điểm chung

Ngày 16-10 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo áp dụng quy định, lợn không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định sẽ không được nhập vào chợ đầu mối. Tuy nhiên, khi quy định chính thức có hiệu lực, hàng chục thương lái với hàng nghìn con lợn không đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc hoặc không có đầy đủ thông tin đã phản ứng dữ dội khi bị cơ quan chức năng “cấm cửa” đưa lợn vào chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Trước áp lực này, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh buộc phải “tháo khoán” cho lợn vào chợ.

Theo phản ánh của nhiều thương lái, nhiều hộ chăn nuôi hiện chưa được trang bị kiến thức cũng như điều kiện cần thiết để mua vòng và tích hợp thông tin vào vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Để đối phó, không ít hộ chăn nuôi đã tự ý mua vòng cho lợn mà không có thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ. Một thương lái tại Tiền Giang có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết, việc thiếu thông tin là do người nuôi, lò mổ và cơ quan thú y không hợp tác chặt chẽ, không hướng dẫn chi tiết cho người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi ở các tỉnh. Trong khi đó, một số thương lái từ Đồng Nai cho biết, rất khó tìm các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc đeo vòng nhận diện, nếu có thì thông tin cũng không đầy đủ.

Đứng về phía hộ chăn nuôi, họ đã gặp không ít khó khăn khi mua và kích hoạt thông tin vào vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, tại Bến Tre, nhiều trường hợp người nuôi muốn mua được vòng phải nộp thuế, phí môi trường lên tới cả triệu đồng mới được cơ quan chức năng địa phương cấp giấy mua vòng nhận diện. Chưa kể, hiện phần mềm kích hoạt truy xuất chỉ tương tác trên điện thoại có hệ điều hành Android nên rất hạn chế trong việc kích hoạt, đặc biệt ở trại nuôi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng thịt lợn vào chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn không có vòng truy xuất nguồn gốc hoặc có vòng mà không có thông tin chủ yếu đến từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Trong khi đó, một lượng không nhỏ thịt lợn được giết mổ tại các tỉnh, rồi được thương lái vận chuyển về TP Hồ Chí Minh nên khi về chợ đầu mối trở thành “chuyện đã rồi”. Đại diện đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thông tin là do cán bộ thú ý và chủ lò mổ ở tỉnh không phối hợp hỗ trợ kích hoạt vòng truy xuất khi lợn ra khỏi lò.

Kiên quyết “chặn” lợn không nguồn gốc

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày 16-10, tức ngày đầu tiên UBND thành phố yêu cầu lợn đeo vòng và có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc mới được nhập vào hai chợ đầu mối, gần 3.000 con lợn tại chợ đầu mối Bình Điền đều không con nào đủ thông tin truy xuất nguồn gốc. Ngày 17-10, con số này chỉ đạt 4%, ngày 18-10 tăng lên 6%. Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn, tỷ lệ cao hơn một chút nhưng vẫn rất thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn phải có đầy đủ 5 thông tin, trong đó có 2 thông tin của trang trại và thú y tỉnh. Ba thông tin còn lại của cơ sở giết mổ gồm: Cán bộ thú y kích hoạt cho phép nhập lợn hơi vào lò mổ; sau khi giết mổ, chủ lò mổ phải kích hoạt vào từng mảnh thịt lợn; thú y kích hoạt, niêm phong xe chở thịt lợn đã mổ ra khỏi lò mổ.

Thực tế ghi nhận cho thấy, phần lớn thịt lợn thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc chủ yếu nằm ở cơ sở giết mổ. “Nếu chỉ thiếu một trong năm thông tin trên thì cũng không được chấp nhận nhập thịt vào chợ”, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho rằng, cơ quan chức năng cần cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến tận các lò mổ để hướng dẫn kích hoạt truy xuất nguồn gốc và giúp những người công nhân tại đây làm quen với thao tác này. Các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn, tuyên truyền cho các thương lái, đồng thời tăng cường hỗ trợ (cả chi phí và kỹ thuật) cho các trang trại, hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh để họ có điều kiện làm quen và nghiêm túc tuân thủ quy trình truy xuất nguồn gốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất khó kiểm soát thương lái, họ đến từ nhiều địa phương và chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận nên một số bất chấp nguồn gốc thịt lợn, chỉ cần mua rẻ, bán giá cao.

Chính vì vậy, trong thời gian tới TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường quản lý đối tượng thương lái, yêu cầu họ phải có giấy đăng ký kinh doanh, phải tập huấn về an toàn thực phẩm, đồng thời phải cam kết kinh doanh thịt lợn có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian nan truy xuất nguồn gốc thịt lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.