Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng suất lao động - Yêu cầu bức thiết!

Hồng Sơn| 12/01/2018 07:34

(HNM) - Chính phủ nhận định chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa bền vững, còn tiềm ẩn một số nguy cơ mà điển hình là năng suất lao động vẫn ở thứ hạng thấp so với khu vực...


Nâng cao năng suất lao động là yếu tố quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Ảnh: Viết Thành


Gia tăng mức chênh lệch với các nước

Theo Tổng cục Thống kê, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã lạc hậu, chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và thâm dụng lao động nên không còn phù hợp trong giai đoạn mới, nhất là đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, riêng năng suất lao động là yêu cầu quan trọng hàng đầu, nhưng chậm được cải thiện.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung năng suất lao động của nền kinh tế năm 2017 tăng 5,9% so với năm 2016 và bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Năng suất lao động có xu hướng gia tăng trong từng năm nhưng đến nay năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở thứ hạng rất thấp so với khu vực (chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% Malaysia, 36,5% Thái Lan và bằng 87,4% của Lào). Đáng lo ngại hơn là sự chênh lệch về năng suất lao động giữa các nước và Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Trước hết, do cơ cấu kinh tế của Việt Nam chuyển dịch chậm, số người lao động thuộc khu vực nông nghiệp - nông thôn còn chiếm tỷ trọng lớn trong khi đây lại là khu vực có năng suất lao động chỉ bằng 38,5% mức chung của nền kinh tế. Đến nay, vẫn còn tới 21,7 triệu người làm việc trong ngành Nông nghiệp trong khi quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Tiếp theo, chất lượng và hiệu quả sử dụng lao động của Việt Nam còn thấp. Hiện, mới có hơn 20% lao động cả nước đã qua đào tạo, đồng thời cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng bất hợp lý, thể hiện ở việc thiếu hụt kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật tay nghề cao... Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ do không phù hợp giữa công việc với nghề hoặc trình độ đã được đào tạo là khá phổ biến.

Năng suất phải tăng tối thiểu 6%/năm

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, năng suất lao động là yếu tố quan trọng, đầu vào cho tăng trưởng nhanh, bền vững, kết hợp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung khu vực, đòi hỏi sự khắc phục càng sớm càng tốt. Ngược lại, nếu tình hình chậm thay đổi sẽ đe dọa đến tương lai phát triển trung và dài hạn, sự tụt hậu cũng như lãng phí các nguồn lực đầu vào cho sản xuất. Từ đó, cần cải thiện thứ bậc về năng suất lao động trên bình diện chung để tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đào tạo nghề. Ngoài ra, các cơ quan hữu trách cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp nhận, làm chủ công nghệ hiện đại, tận dụng thời cơ để tăng năng suất lao động...

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, từ năm 2018 trở đi, năng suất lao động nước ta phải tăng tối thiểu 6%/năm để đảo ngược tình hình, góp phần đưa nền kinh tế thay đổi về chất lượng tăng trưởng, rút ngắn thời gian tới đích thịnh vượng... Hơn nữa, cần tạo ra các thị trường vốn, công nghệ, lao động đích thực, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các nhân tố mới, có giá trị thực tiễn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các bộ, ngành liên quan đã đưa ra một số đề xuất nhằm khắc phục thực trạng trên. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị, cần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực đối với các loại hình doanh nghiệp. Cơ quan chức năng nên tham vấn, thu thập ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong công tác lập quy hoạch và kế hoạch. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý nhằm tăng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ, đặc biệt là hỗ trợ hoạt động nghiên cứu - phát triển để tăng năng suất lao động.

Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho rằng, nếu tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ sẽ nâng cao chất lượng nông sản, nhất là xét trong bối cảnh Việt Nam có nhiều loại nông sản xuất khẩu nổi tiếng. Cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ nhà nông, doanh nghiệp nông nghiệp trong tích tụ đất để tăng cường cơ giới hóa, giảm suất đầu tư cũng như chủ động trong ứng dụng tiến bộ khoa học trong canh tác, chăn nuôi. Nhà sản xuất cũng cần kết hợp hai mục tiêu là tăng năng suất lao động với bảo đảm chất lượng nông sản để phát triển bền vững.

Như vậy, nâng cao năng suất lao động là yêu cầu bức thiết trên con đường phát triển, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng suất lao động - Yêu cầu bức thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.