Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt: "Khải silk chưa là gì"

Theo Tuổi trẻ| 29/01/2018 15:53

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải Quan Nguyễn Văn Cẩn bình luận như vậy tại hội nghị các Ban chỉ đạo 389 quốc gia và 138 của Chính phủ sáng 29-1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động, đẩy lùi tội phạm, vi phạm. Ảnh: Lê Kiên


Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình – Trưởng ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) chủ trì.

Hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết các hành vi làm giả, làm nhái hàng Việt Nam chất lượng cao được các đối tượng vi phạm thực hiện với nhiều chiêu trò, đặc biệt là núp bóng hàng "tạm nhập, tái xuất".

"Chúng tôi vừa phối hợp bắt một lô hàng 25 xe tải từ Trung Quốc đưa về Lạng Sơn qua hình thức tạm nhập tái xuất, số lượng hàng trăm tấn được cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam đặc biệt lớn. Vụ Khải silk chưa là gì so với sự phong phú của những mặt hàng trong lô này", ông Cẩn cho biết.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 cũng cho hay, tình trạng buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu với số lượng lớn qua hình thức tạm nhập, tái xuất có sự thông đồng của số cán bộ trong ngành Hải quan. Đáng lưu ý là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp…

Đề cập đến khó khăn trong việc chống loại tội phạm này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều vụ vẫn chưa "đánh" trúng đối tượng và cơ quan chức năng chỉ bắt được người vận chuyển hàng mà không làm rõ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

"Nhiều vụ buôn lậu, số lượng lên tới hàng tấn ngà voi mà cũng chỉ bắt được người vận chuyển thuê, không rò được số ngà sẽ đưa về cho ai, đầu mối nào. Việc cho tạm nhập tái xuất cũng tiềm ẩn những tiêu cực, nguy cơ buôn lậu như anh Cẩn nói", ông Lê Quý Vương khẳng định.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, để đối phó với loại hình tội phạm này, tất cả các lô hàng tạm nhập tái xuất qua TP HCM trong năm 2018 sẽ được soi chiếu an ninh chứ không chỉ tiến hành kiểm tra xác suất.

Ông Tuyến cho rằng kinh nghiệm đấu tranh trong lĩnh vực này là phải "đấu" trong nội bộ các cơ quan chức năng, thường xuyên luân chuyển cán bộ, kiểm tra giám sát chặt chẽ, đặc biệt là xử lý người đứng đầu khi có sai phạm.

Tội phạm thể hiện sự xuống cấp đạo đức

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 cho thấy năm 2017 tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là các hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng, nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện "lộng hành", tính chất lưu manh, côn đồ, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng trong người dân.

Tuy số lượng vụ giết người giảm nhưng tính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, đặc biệt là trong quan hệ người thân, gia đình, thể hiện sự xuống cấp của xã hội.

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương. Tội phạm chống người thi hành công vụ tính chất, mức độ ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm, manh động, thách thức, coi thường pháp luật. Tái diễn tình trạng cướp tiệm vàng, ngân hàng, quỹ tín dụng…

Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài được kiềm chế, nhưng nước ta vẫn là "điểm nóng" của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm, kết hôn bất hợp pháp, đẻ thuê…

Tội phạm kinh tế, tham nhũng cũng đáng chú ý với nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, bảo hiểm y tế, cấp phép các dự án vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm, xử lý nợ xấu, tài cơ cấu DNNN, sản xuất kinh doanh các mặt hàng trọng yếu…

Báo cáo cũng khẳng định, các sai phạm, tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh làm rõ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm, mở các đợt cao điểm, trấn áp có hiệu quả đối với các hành vi tội phạm, đặc biệt là những vấn đề, lĩnh vực nóng, được nhân dân, dư luận quan tâm như phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tội phạm có tổ chức kiểu "xã hội đen"… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt: "Khải silk chưa là gì"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.