Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa cấp tiền ảo: Vì sao dễ mắc lừa?

Hương Thủy| 18/04/2018 14:31

(HNMO) - Thông tin người dân tố Công ty cổ phần Modern Tech lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn đầu tư vào đồng tiền ảo vừa qua gây chấn động dư luận.

Như đã thông tin, theo tố cáo của người dân, các thành viên Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan để huy động vốn. Nhóm này cam kết nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng. Đặc biệt, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia thì mức lợi nhuân lên đến 56%, bởi sẽ được hưởng thêm 8% hoa hồng.


Nhiều người tìm đến trụ sở Công ty Modern Tech tại TPHCM để tố cáo. Ảnh: Internet


Các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi được rất nhiều nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo iFan. Tuy nhiên, sau khi huy động được số tiền lớn 15.000 tỷ đồng với số người tham gia lên tới 32.000 người thì các thành viên của Công ty Modern Tech tuyên bố hủy hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn mà chuyển sang trả lãi bằng các đồng iFan với giá tự công bố là 5 USD/đồng, cao hơn nhiều lần so với giá trị đang giao dịch trên thị trường tự do. Sau đó, nhóm này dừng trả lãi và xóa dấu vết. Thực chất, đây là mô hình tiền kỹ thuật số đa cấp, hoạt động dựa trên hình thức lấy tiền người sau để trả cho người trước. 

Ngay sau có thông tin về vụ việc, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý. Nội dung vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trên đề xuất biện pháp báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-4. Cũng liên quan đến quản lý tiền ảo, hoạt động huy động vốn qua tiền ảo kiểu đa cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới bitcoin, tiền ảo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo, trong đó nhấn mạnh việc các tổ chức tín dụng không được giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Với vụ việc trên, một câu hỏi được đặt ra: Vì sao ở một thành phố lớn, phát triển nhất cả nước, các vụ việc lừa đảo liên quan đến đa cấp, huy động vốn, tiền ảo đã được báo chí phản ánh liên tục trong thời gian qua nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa dễ dàng như vậy?

Có thể thấy, trước hết, đó là do các thành viên Công ty Modern Tech đã tạo được niềm tin với nhà đầu tư bằng việc tổ chức các buổi hội thảo hoành tráng với sự hùng biện của người am hiểu về tiền kỹ thuật số. Bên cạnh đó, họ còn dùng hình ảnh của người nổi tiếng để lôi kéo, làm cho nhà đầu tư tin tưởng hơn. Thông thường, tại các cuộc hội thảo, giới thiệu về kinh doanh đa cấp, người hùng biện rất giỏi trong việc lôi kéo nhà đầu tư, họ vẽ ra cho nhà đầu tư về sự phồn thịnh, giàu có, đi du lịch nước này, nước khác mà không cần làm gì, chỉ cần đưa tiền cho họ thì số tiền sinh lời cũng giúp nhà đầu tư đủ sống sung túc cả đời. Chưa kể, khi nghe đến công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, đồng tiền kỹ thuật số..., nhà đầu tư dễ tin tưởng ngay rằng việc đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cao. Thế nên dù đâu đó, họ đã nghe đến lừa đảo, đến rủi ro đa cấp, rủi ro tiền ảo, nhưng họ vẫn tin lời của người hùng biện và tham gia.

Tiếp theo là tâm lý đám đông. Trong số những nạn nhân của vụ việc này, không phải ai cũng trực tiếp đầu tư mà có người tham gia đơn thuần chỉ vì hùa theo đám đông. Dù không hiểu về tiền ảo, tiền kỹ thuật số nhưng thấy đông người tham gia, họ cũng đưa tiền nhờ người quen, người thân đầu tư hộ.

Cuối cùng, và quan trọng nhất vẫn là lòng tham. Thành viên của Công ty Modern Tech đã đánh trúng điểm yếu của người tham gia bằng cách đưa ra mức lợi nhuận khủng khiếp, lên tới 48%/tháng, tương đương 576%/năm. Đó là mức lợi nhuận phi thực tế, không có bất cứ hình thức kinh doanh hàng hóa nào có được lợi nhuận cao như vậy. Tuy nhiên, nhà đầu tư khi bỏ tiền ra dường như dành ít thời gian để suy nghĩ, đặt câu hỏi “họ làm gì để có mức siêu lợi nhuận như vậy trả cho mình?”. Thay vào đó, lợi nhuận làm nhiều người mù quáng, đua nhau rót tiền vào dự án.

Từ vụ việc này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, khi đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp, lĩnh vực nào, nhà đầu tư phải thận trọng, tìm hiểu kỹ, yêu cầu xem báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập của doanh nghiệp.

“Bất cứ công ty nào làm ăn chân chính, dựa vào thực lực, khi thuyết trình, đều nêu rõ ràng, cụ thể về ban điều hành, kể cả lịch sử làm ăn của công ty; còn doanh nghiệp nào thể hiện sự lấp liếm, không đưa ra được danh sách ban lãnh đạo, hay chỉ đưa ra những thông tin mang tính kỳ vọng chứ không phải là thông tin được xác nhận trong quá khứ thì gần như 100% là lừa đảo”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Cùng với đó, người dân cần tỉnh táo trước những cám dỗ, những lời tô vẽ, hứa hẹn phi thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa cấp tiền ảo: Vì sao dễ mắc lừa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.