Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập trong quản lý thức ăn chăn nuôi

Bạch Thanh| 20/04/2018 06:38

(HNM) - Việc quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội hiện vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.



Hơn 10 năm nay, trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Nga, xã Thụy An (huyện Ba Vì) thường xuyên nuôi hơn 20.000 con gà. Chị cho biết, việc chọn sản phẩm thức ăn chăn nuôi công nghiệp đều do các đơn vị chào mời, thấy giá thành hợp lý là chọn mua, còn chất lượng có đúng với bao bì, nhãn mác hay không thì người chăn nuôi khó nhận biết.

Ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Hằng năm, huyện đều thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra điều kiện kinh doanh thức ăn chăn nuôi và khi có phản ánh của người dân sẽ kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, qua kiểm tra mới dừng ở việc nhắc nhở, yêu cầu khắc phục chứ chưa thu hồi và xử lý trường hợp nào. Các vi phạm chủ yếu là không đáp ứng điều kiện kinh doanh, không có khu cách biệt, còn để lẫn với các loại thuốc thú y...

Việc quản lý sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi cũng gặp không ít bất lợi. Bà Hoàng Hương Giang, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Nghị định 39/2017/NĐ-CP ngày 4-4-2017 của Chính Phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy định rõ, "kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; chỉ được phép sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo…". Tuy nhiên, cán bộ ở nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa nắm rõ điều này. Do đó, việc phát hiện vi phạm từ cơ sở còn nhiều hạn chế.

Là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, với gần 30 triệu con gia cầm, hơn 2,25 triệu con lợn…, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 99 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã ký cam kết với 33 cơ sở và tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại, lấy mẫu tại 57 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Kết quả, có 5 sản phẩm của 5 doanh nghiệp vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, sản xuất không đúng với tiêu chuẩn công bố hàm lượng chất chính và bị xử phạt vi phạm hành chính gần 80 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, công tác quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập, nhất là với các cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, địa điểm không cố định. Việc kiểm tra còn chồng chéo giữa các ngành, đơn vị; khi xin đăng ký các sản phẩm vào danh mục được phép sản xuất thời gian chờ đợi lâu, ảnh hưởng tới công tác quản lý chung cho cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp...

Trước thực trạng trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra điều kiện của các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các điều kiện bảo quản, cung ứng của các tổng kho, đại lý cấp 1 và việc bảo quản của cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ đó, khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm bảo đảm chất lượng, sử dụng đúng cách. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý thức ăn chăn nuôi cho cán bộ của Chi cục Thú y Hà Nội và các Trạm Thú y trên địa bàn thành phố; tập trung kiểm tra, rà soát việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, chất cấm và các loại kháng sinh cấm sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý thức ăn chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.