Theo dõi Báo Hànộimới trên

Được mùa vải, nhãn - vẫn lo... đầu ra

Ngọc Quỳnh| 04/05/2018 07:18

(HNM) - Do khâu chế biến, bảo quản yếu, nhiều tỉnh, thành phố đang lo về đầu ra cho sản phẩm khi vào vụ thu hoạch.

Chăm sóc nhãn tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Ảnh: Bá Hoạt


Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích 98.300ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc. Trong đó, cây vải có diện tích 58.800ha, nhãn là 39.500ha. Những năm gần đây, sản lượng vải thu hoạch luôn ở mức từ 300.000 đến 350.000 tấn/năm, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Sản lượng nhãn cũng duy trì từ 500.000 đến 550.000 tấn/năm. Do thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả của cây vải, nhãn đạt hơn 90% và nếu không có mưa đá, bão lớn... thì sản lượng vải, nhãn thu hoạch rất cao. Về thị trường tiêu thụ, tỷ lệ quả vải, nhãn chiếm 50% ở thị trường nội địa, nhưng vẫn chủ yếu bán qua thương lái.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Do thời tiết thuận lợi, nên cây vải ra hoa, đậu quả tốt. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chưa rộng mở, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Từ ngày 1-4-2018, doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Việt Nam sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xin cấp phép thông quan. Đây là rào cản mới cho nông sản nói chung và quả vải Việt Nam nói riêng khi xuất khẩu sang thị trường này.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho rằng: Sản lượng quả vải của tỉnh năm nay dự kiến đạt 12.000 tấn, tăng 15%, nhãn là 41.000 tấn, tăng 30%. Trong khi đó, diện tích sản xuất có hợp đồng từ đầu vụ với doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài nước ít, do đó nông dân đang đứng trước nguy cơ được mùa, mất giá khi vào vụ thu hoạch. Công nghệ bảo quản, chế biến quả vải của tỉnh Hưng Yên còn lạc hậu, thời gian bảo quản vải tươi không dài, chỉ dưới 25 ngày, trong khi thời vụ thu hoạch ngắn, nên khó khăn cho vận chuyển, tiêu thụ.

Để tháo gỡ khó khăn cho khâu tiêu thụ, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Các địa phương tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc tiên tiến, quản lý chặt chẽ, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường áp dụng kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP rộng rãi trên phương tiện đại chúng. Các tỉnh, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các yêu cầu về tem nhãn, bao gói và truy xuất nguồn gốc; thực hiện kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại vùng sản xuất vải, nhãn để giảm thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu, tạo điều kiện xuất khẩu thuận lợi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường nội địa và xúc tiến thương mại để tăng lượng vải, nhãn xuất khẩu; đưa loại quả này vào hệ thống siêu thị, chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn… ở các thành phố lớn. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến để giảm sức ép tiêu thụ quả tươi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Được mùa vải, nhãn - vẫn lo... đầu ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.