Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát cơ chế ưu đãi đặc khu kinh tế

Hương Ly| 24/05/2018 07:05

(HNM) - Hôm qua (23-5), Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Vân Đồn là một trong ba địa phương được chọn xây dựng thành đặc khu hành chính - kinh tế.


Không ưu đãi bằng mọi giá

Có nhiều quy định đột phá với kỳ vọng tạo ra những đặc khu kinh tế phát triển vượt trội, phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đã ghi nhận những ý kiến tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội.

Đồng tình với việc mở ra cơ chế đột phá cho các đặc khu kinh tế, song theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, việc áp dụng các cơ chế đặc thù không đồng nghĩa với sự dễ dãi, thiếu kiểm soát.

Nêu ý kiến về các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, việc cấp phép rút gọn sẽ giúp giảm thời gian triển khai đầu tư cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng yếu tố quan trọng nhất phải xem xét là hiệu quả của dự án đầu tư. Vì vậy, cần đánh giá về tính chất, phạm vi, khả năng của dự án, cũng như thông tin nhà đầu tư.

Bởi nếu không đánh giá thông tin về nhà đầu tư thì làm sao có thể khẳng định nhà đầu tư đó đủ khả năng, đủ tín nhiệm. Đại biểu cũng đặt câu hỏi: Nếu dự án đầu tư gây hệ lụy cho xã hội thì sẽ xử lý như thế nào?

Bày tỏ băn khoăn về nguồn lực để triển khai các đặc khu kinh tế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) phân tích: "Theo ước tính, để đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần xấp xỉ
1 triệu 500 nghìn tỷ đồng. Với tính chất đặc thù của cả ba đặc khu về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, không thể thiếu vai trò của ngân sách nhà nước. Chúng ta phải đưa ra một phương án tài chính hợp lý. Cần phải tính toán kỹ trong tổng số nguồn lực, Nhà nước sẽ phải đầu tư bao nhiêu, tính khả thi của phương án cũng như việc huy động nguồn lực và thời gian thực hiện. Các quy định của dự án luật này cũng phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn để bảo đảm tính khả thi".

Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) cũng cho rằng, việc có quá nhiều ưu đãi với thuế thu nhập doanh nghiệp trong dự án luật có thể làm mất tính trung lập của chính sách thuế, thậm chí có thể khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời trong trung hạn.

Dẫn nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Thu Hà phân tích, trong khi TP Hồ Chí Minh được trao quyền tăng một số khoản thu so với mặt bằng chung thì đặc khu lại có xu hướng giảm các khoản thu do áp dụng nhiều ưu đãi thuế. Vì vậy, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị cần có những giải trình kỹ càng, thuyết phục hơn về dự án luật.

Lưu tâm cơ chế kiểm soát quyền lực

Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN


Một trong những luồng ý kiến được các đại biểu Quốc hội đặc biệt lưu tâm là vấn đề kiểm soát quyền lực. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần tổ chức HĐND để thực hiện giám sát, vì quyền lực càng cao, càng đặc biệt sẽ thường xuất hiện vấn đề “nóng”.

"Điều này không chỉ tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn làm suy thoái niềm tin. Nếu xảy ra sai phạm sẽ rất khó điều chỉnh vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần phải xem xét quy định cho chủ tịch UBND đặc khu được quyết định cấp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh…

Tuy nhiên, tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) lại cho rằng, với tinh thần thử nghiệm, đột phá, chắc chắn Chính phủ sẽ cẩn trọng khi chọn lựa chủ tịch UBND đặc khu. Đây sẽ là những cán bộ đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ được giao. “Nếu những việc cần quyết định ngay mà không quyết được thì sẽ khó tạo sự đột phá cho đặc khu”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến.

Tán thành quy định giao nhiều thẩm quyền vượt trội cho UBND, chủ tịch UBND của các đặc khu kinh tế, song đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng, không nên quy định mô hình bộ máy UBND đặc khu chung cho cả Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Thay vào đó, dự thảo luật cần "cởi trói", tháo gỡ khó khăn cho đặc khu, trao quyền cho chính quyền đặc khu tổ chức bộ máy UBND phù hợp với đòi hỏi công việc thực tế ở mỗi địa bàn.

Nhìn nhận dự án luật từ quan điểm đầu tư công, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cần trả lời cho được câu hỏi hàng trăm nghìn tỷ đồng Nhà nước đã đầu tư vào đây và hàng triệu tỷ đồng sẽ đầu tư trong tương lai sẽ đem lại lợi ích gì, cho ai? Bởi ngoài bài toán kinh tế còn phải đặc biệt lưu tâm tới vấn đề văn hóa, an ninh, quốc phòng. Đại biểu cũng đề nghị không nên triển khai đồng loạt, mà chỉ làm thí điểm một đặc khu.

Giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu nêu tại phiên thảo luận, trong đó có quy định cho thuê đất tại đặc khu lên đến 99 năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo xin giữ nguyên như dự thảo luật. Tuy nhiên cần quy định rõ, đâu là dự án hưởng thời gian thuê đất 70 năm, đâu là dự án đặc biệt để có thể hưởng tới 99 năm, yếu tố nào để xác định đó là dự án đặc biệt...

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là dự án luật khó, có nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá khác với pháp luật hiện hành. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nhằm tiếp tục bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật.

Chiều 23-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Trồng trọt. Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đây là đạo luật tác động đến khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng cách trình bày chưa có sự gần gũi, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra. Ngoài ra, dự thảo luật cần quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ về việc đưa các loại giống, phân bón nước ngoài vào Việt Nam, kể cả đưa giống tốt của Việt Nam ra nước ngoài.

Thêm vào đó, cần có chính sách khuyến khích các viện nghiên cứu, cá nhân nghiên cứu lai tạo giống mới bởi lĩnh vực này ở nước ta hiện còn yếu kém so với yêu cầu của một nước nông nghiệp. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, dự thảo luật chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng phải đặt vấn đề giúp người nông dân thoát khỏi cảnh nuôi trồng tự phát, dẫn đến khủng hoảng thừa và các cuộc "giải cứu" nông sản xảy ra liên tiếp thời gian gần đây...

Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. 

Nguyên Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát cơ chế ưu đãi đặc khu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.