Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Liên kết lỏng lẻo và khó tiếp cận hỗ trợ

Ngọc Quỳnh| 18/06/2018 06:44

Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng phá vỡ hợp đồng vẫn xảy ra; khâu phân phối, lưu thông, quảng bá sản phẩm trong chuỗi còn yếu...

LTS: Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… vẫn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng; khâu phân phối, lưu thông, quảng bá sản phẩm trong chuỗi còn yếu; nông dân vẫn bán sản phẩm qua thương lái và bị ép giá khi vào vụ thu hoạch. Vậy đâu là giải pháp để việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đạt hiệu quả như mong muốn?

Sau một thời gian triển khai, chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương dường như chưa đạt được mục tiêu ban đầu và còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, sự liên kết, hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân chưa hài hòa...

Quá nhiều bất cập

Cả nước hiện có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai liên kết chuỗi nông sản với 2.263 điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 600.000ha; khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố với các sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt và thủy sản các loại… nhưng chỉ có 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả.

Các hộ nông dân vẫn khó khăn trong khâu tiêu thụ quả vải.


Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ dân chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm chủ thể với nhau. Hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa có sự ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua.

Đặc biệt, năng lực quản lý kinh tế của nông dân, các tổ hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn đến mô hình liên kết, hợp tác. Mô hình cánh đồng mẫu lớn được khẳng định là phương thức sản xuất tiên tiến đang đi đúng hướng, góp phần tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều cánh đồng mẫu lớn mới chủ yếu tập trung hỗ trợ được “đầu vào” cho sản xuất mà chưa hỗ trợ, giải quyết được khó khăn “đầu ra” cho nông dân. Tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn xảy ra liên tục khiến nông dân không yên tâm đầu tư.

Lý giải về những khó khăn trong thực hiện chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện thành phố đã xây dựng được 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện; duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tuy vậy, trên thực tế, nhiều năm qua, nông dân vẫn tự “bơi” trên thị trường. Nguyên nhân là các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ, hoạt động theo phương thức truyền thống và có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước… nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, chưa có dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký hợp đồng với trang trại và vùng quy mô lớn, có lượng sản phẩm ổn định…

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, hiện công ty đang thực hiện liên kết chuỗi tiêu thụ trứng gà với nông dân, nhưng để người dân áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao không dễ dàng. Bởi vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Hơn nữa, có thời điểm khi giá thị trường tăng cao, nông dân lại “tuồn” sản phẩm cho thương lái khiến doanh nghiệp không gom đủ số lượng để cung cấp cho đối tác. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại lúng túng, chưa có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh giữa doanh nghiệp và nông dân…

Hỗ trợ chưa thỏa đáng

Hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận, khiến bài toán “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp thêm phần khó giải. Đặc biệt, khi vào vụ thu hoạch, nếu thương lái ép giá, nông dân không bán được sản phẩm phải đổ bỏ hoặc dùng “hạ sách” kêu gọi “giải cứu” trong cộng đồng.

Theo Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc, việc triển khai thực hiện quy hoạch trong nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt nên sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; Nhà nước còn thiếu các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển chuỗi, đặc biệt trong khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch... nên chưa thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia liên kết chuỗi.

Đồng quan điểm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông sản theo chuỗi cần nguồn vốn lớn, trong khi đó, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản của Nhà nước chưa đủ mạnh khiến giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh kém.

Ngoài ra, công tác dự báo thị trường chưa thực sự được quan tâm, giá cả nông sản không ổn định, việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, có hiện tượng sản xuất ồ ạt dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”.

“Tuy Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ dân trong việc liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, nhưng thực tế rất khó tiếp cận. Đơn cử như việc hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để xây dựng kho chứa, đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao công suất chế biến phục vụ cho xuất khẩu; công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm và ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài còn hạn chế… Tất cả những khó khăn đó là “rào cản” đối với doanh nghiệp khi tham gia chuỗi liên kết” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods Group chia sẻ…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Liên kết lỏng lẻo và khó tiếp cận hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.