Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần “hàng rào” kỹ thuật đủ mạnh

Kính Lúp| 18/06/2018 07:25

(HNM) - Theo Cục Hàng hải Việt Nam, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam khoảng 28.000 container, tập trung tại các cảng: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.


Hàng hóa trong các container tồn đọng này chủ yếu là dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phân bón, hàng nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa, giấy, xe ô tô... Tức là nhiều thứ đã là phế liệu hoặc sắp thành phế liệu. Điều này có nguy cơ gây ra hậu quả nặng nề về môi trường, tốn kém chi phí từ ngân sách để tiêu hủy...

Nhằm hạn chế tình trạng này, thời gian qua, lực lượng hải quan các địa phương đã thường xuyên rà soát, soi chiếu, phân loại đối với những container hàng có dấu hiệu nghi vấn, thực hiện khóa container, xếp vào một khu vực riêng để theo dõi, giám sát. Nếu chủ hàng làm thủ tục nhận hàng sẽ thực hiện kiểm tra chi tiết và xử lý nghiêm nếu sai phạm. Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày sẽ tiêu hủy những lô hàng ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc ngăn ngừa những container hàng phế liệu như vậy vào Việt Nam cũng như việc tiêu hủy lại đang có nhiều vướng mắc. Thứ nhất, vướng mắc nguồn kinh phí từ ngân sách để xử lý hàng hóa tồn đọng. Thứ hai, thiếu quy định cụ thể về xử lý những container hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày.

Làm sao để ngăn ngừa hàng hóa chậm luân chuyển tại các cảng biển? Về phía các doanh nghiệp quản lý và khai thác cảng, phải chủ động có biện pháp hạn chế các mặt hàng phế liệu; chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể.

Nhưng, quan trọng và cấp thiết hơn là Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng cần khẩn trương sửa đổi các văn bản pháp quy, lập các “hàng rào” kỹ thuật đủ mạnh, từ đó hướng dẫn các doanh nghiệp cảng có phương án xử lý phù hợp.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp với hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng này về cảng khác trước khi tàu cập các cảng biển Việt Nam, tránh kéo dài thời gian giải phóng tàu làm phát sinh chi phí cho các bên liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần “hàng rào” kỹ thuật đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.