Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bức tranh kinh tế sáng màu

Hồng Sơn| 30/06/2018 07:16

(HNM) - Nếu diễn biến về phát triển kinh tế từ đầu năm đến nay như một bức tranh thì mảng màu sáng chiếm vai trò chủ đạo, lấn át những gì còn tồn tại cần khắc phục...

Rau quả xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Huy Hùng


GDP đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011

6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thực tế trên khẳng định rõ tính kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương.

Trong đó, xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển nền kinh tế. Chính phủ hành động, kiến tạo đã gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần...

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng GDP trong 6 tháng qua. Riêng hoạt động khai thác thủy sản và lâm nghiệp đều tăng khá ấn tượng, cao hơn hẳn so với cùng kỳ, đồng thời tham gia xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và hiện có thặng dư với kết quả là xuất siêu đạt 2,71 tỷ USD.

Kết quả thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước đều có sự tăng trưởng tốt với những con số vui: Có thêm 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 649 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cả nước cũng thu hút thêm 20,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm những dự án cấp phép mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư. Các dự án đầu tư nước ngoài cũng giải ngân 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Thực tế cho thấy, một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, tâm lý kinh doanh vẫn duy trì sự lạc quan vào tương lai và chỉ số nhà quản trị mua hàng luôn ở mức khả quan.

Như vậy, nền kinh tế đã đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức sống, sức cạnh tranh và năng lực để vươn lên, hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng tối đa trong năm nay.

Không chủ quan, cần đề cao giải pháp


Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính đẩy CPI tăng cao gồm giá lương thực, thực hiện lộ trình tăng giá một số dịch vụ công và giá xăng dầu.

Ngoài ra, đã xuất hiện xu hướng nhập siêu trở lại trong 2 tháng gần đây và điều này cảnh báo tình trạng suy giảm xuất khẩu, hoặc gia tăng nhập khẩu của nền kinh tế. Vấn đề này đã được nhận diện và cần điều chỉnh hợp lý, trên cơ sở hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu để có được kết quả lành mạnh trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Chế biến thủy sản xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2018.


Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế năm 2018, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng, trước hết là kiên trì thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, bám sát kịch bản tăng trưởng của từng ngành, địa phương cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Vì thế, các giải pháp cụ thể được xác định, như điều hành chính sách tiền tệ thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, trong đó kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính, giám sát các khoản chi từ ngân sách kết hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung hoàn thành sớm các dự án có tác dụng nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Theo dõi diễn biến thị trường thế giới và trong nước, kiểm soát tốt thị trường và phòng, chống buôn lậu, hàng giả; hạn chế việc điều chỉnh giá vào thời điểm không thuận lợi...

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, có biện pháp giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng nông - thủy sản (nhất là với hàng xuất khẩu), nắm bắt diễn biến thời tiết để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tăng tỷ lệ chế biến sau thu hoạch...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bãi bỏ những quy định bất hợp lý, hoàn thiện thể chế nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp theo tinh thần kiến tạo của Chính phủ, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo để tăng giá trị xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm. Cuối cùng là đẩy mạnh quảng bá du lịch nhằm khai thác tối đa cơ hội, tiềm năng, hướng tới gia tăng nguồn thu bên cạnh việc chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế, hoặc tranh chấp thương mại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế sáng màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.