Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham vấn cộng đồng, giữ gìn bản sắc

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 23/07/2018 06:37

(HNM) - Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước vấn đề nan giải là làm sao vừa xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại thay thế những công trình đã cũ, xuống cấp, lại vừa bảo tồn được các công trình kiến trúc cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa.


"Xóa bỏ" hay bảo tồn?

Từ câu chuyện giữ lại hay phá bỏ khối nhà hiện là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh (còn gọi là Dinh Thượng Thơ), dư luận đặt ra vấn đề liệu trong quá trình phát triển đô thị, TP Hồ Chí Minh có giữ gìn được những công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, văn hóa? Về vấn đề này, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố đã từng chấp nhận đánh đổi khi một số công trình kiến trúc cổ trước đây đã bị tháo dỡ, nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng... Đơn cử như Thương xá Tax, sau khi tháo dỡ đã để lại nhiều tiếc nuối vì đây là công trình chứa đựng nhiều ký ức của người dân thành phố.

Công trình Dinh Thượng Thơ (quận 1) trên 150 năm tuổi đang được UBND TP Hồ Chí Minh xem xét giữ gìn.


Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài những công trình đã được công nhận di tích và trong danh sách bảo tồn, nếu giữ được những công trình tương tự sẽ giúp thành phố trên 300 năm tuổi giữ gìn được bản sắc và nhiều giá trị khác. Bà Lê Tú Cẩm cũng cho biết, theo Luật Di sản văn hóa, khi xây dựng dự án mà đụng đến một công trình có dấu hiệu là di sản thì buộc phải tạm dừng, hỏi ý kiến của cơ quan quản lý về di sản. Còn theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhiều công trình kiến trúc cổ của thành phố cần có thêm nghiên cứu, đánh giá để đưa ra giải pháp bảo tồn.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có 172 di tích được công nhận, gồm 170 di tích cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và 2 di tích cấp đặc biệt. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có hàng trăm công trình kiến trúc cổ có tuổi đời trên 100 năm. Chỉ riêng quận 1 đã có 23 công trình kiến trúc nghệ thuật và 3 công trình kiến trúc lịch sử như: Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh... Những công trình này đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được công nhận di tích cấp quốc gia. Riêng công trình Dinh Thượng Thơ chưa được đưa vào danh mục trên.

Xác lập danh mục để bảo tồn


Mới đây, HĐND TP Hồ Chí Minh đã đưa công tác bảo tồn công trình kiến trúc cổ vào nội dung giám sát trong thời gian tới nhằm tránh tình trạng công trình chưa nằm trong danh sách nên không bảo tồn. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, đôi khi chính cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có nhiều hiểu biết về một số địa chỉ, nhưng khi đưa ra công luận lấy ý kiến thì nhiều người cung cấp thông tin rất có giá trị. Vì vậy, thành phố cần phát huy trí tuệ, sự hiểu biết của cộng đồng, đặc biệt những người trong giới để tham vấn. "Cần thiết HĐND sẽ phân bổ kinh phí để trùng tu, giữ gìn các công trình cần bảo tồn", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.

Theo các chuyên gia, việc ban hành, thực thi chính sách quản lý đô thị cần quan tâm công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa... Công tác bảo vệ di sản là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi địa phương và mỗi người dân. Ở vai trò quản lý nhà nước, việc xác lập danh mục các công trình cổ trên địa bàn thành phố để có chính sách quản lý là rất quan trọng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vai trò tư vấn của các nhà khoa học, đồng thời đặt vị trí và sự quan tâm đúng mức đối với cộng đồng - chủ thể của di sản.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 923/QĐ-UBND về phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định danh mục 100 địa chỉ để kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Từ năm 2012 đến nay, ngành Văn hóa thành phố đã phối hợp với các quận, huyện và các ban quản lý di tích rà soát, tham mưu cho UBND thành phố để bố trí kinh phí trùng tu di tích, kể cả di tích do người dân quản lý. Theo đó, thành phố đã đầu tư 300 tỷ đồng để trùng tu di tích. Đối với di tích do tổ chức tư nhân quản lý cũng đã vận động 33 tỷ đồng để trùng tu.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích tham mưu xác lập thông tin các địa chỉ và tổ chức các hội thảo khoa học để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích. Hiện thành phố cũng xác định 43 di tích có nhu cầu sửa chữa, trùng tu. "Trong quy hoạch phát triển đô thị 1/2.000 của thành phố đều được cập nhật các địa chỉ trong danh mục theo Quyết định 923/QĐ-UBND. Đây là cơ sở quan trọng để bảo tồn, giữ gìn di tích", ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn cộng đồng, giữ gìn bản sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.