Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động vi phạm về mua bán, sử dụng động vật hoang dã

Bạch Thanh| 31/07/2018 06:47

(HNM) - Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm như ngà voi, các sản phẩm từ ngà voi, tê tê, vảy tê tê, rùa, tay gấu, sừng tê giác... với số lượng lớn nhập lậu về tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba.

Ngoài ra, việc săn bắt, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trong nước cũng diễn ra ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm về mua bán, sử dụng động vật hoang dã trở thành báo động ở nước ta.

Chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.


Một thông tin được Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên đưa ra là, những loài động vật quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng lại chính là những loài có nhu cầu tiêu thụ và bán với giá cao nhất. Bất chấp luật pháp quốc tế và trong nước ngăn cấm buôn bán động vật hoang dã, vậy nhưng lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán mang lại khiến cho những kẻ săn bắt và buôn bán trái phép tiếp tục đẩy những loài sinh vật quý hiếm vào bờ vực của sự tuyệt chủng... Pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã còn tồn tại nhiều "lỗ hổng", gây khó khăn cho công tác thực thi. Quy định về bảo vệ động vật hoang dã và các quy định về xử phạt vi phạm liên quan đến các loài động vật hoang dã không được quy định có hệ thống mà nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn và lúng túng cho cơ quan chức năng trong việc áp dụng pháp luật về quản lý và bảo vệ các loài này.

Các chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ mất đa dạng sinh học của Việt Nam và thành điểm nóng về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép, săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm là một số loài được quảng bá có các tính năng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, chữa bệnh nan y (dù có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh)... vô hình trung trở thành đối tượng bị săn lùng, khai thác, tận diệt. Một thực tế đáng lo ngại khác là việc ăn thịt thú rừng cũng được coi như một cái thú của một bộ phận người dân nên không ít nhà hàng ngang nhiên treo biển quảng cáo bán thịt thú rừng.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong số 22 loài đang được gây nuôi trong các trang trại, có 12 loài nuôi thuộc đối tượng bị đe dọa cấp quốc gia, 6 loài nuôi thuộc đối tượng đe dọa toàn cầu... Mặc dù, đã có những quy định của pháp luật về vấn đề này như: Quy định kiểm soát nguồn gốc con giống, nguồn gốc cá thể nuôi thương mại nhưng việc kiểm soát cá thể gây nuôi còn theo hồ sơ, giấy phép mà không có quy định về việc đánh dấu cá thể gây nuôi... dẫn đến việc lợi dụng hoạt động này để trà trộn, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, tăng cao việc tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã...

Từ đầu năm tới nay, việc xử lý đối với các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật hoang dã của các cơ quan chức năng thường xuyên kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã. Số động vật hoang dã đang được cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ. Theo đó, đơn vị đã tổ chức tiếp nhận 38 vụ với 163 cá thể động vật hoang dã; 8,5kg rắn các loại. So với cùng kỳ năm 2017, công tác tiếp nhận động vật hoang dã 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3 vụ, giảm 1.012 cá thể và 13,9kg.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động vi phạm về mua bán, sử dụng động vật hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.