Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về thi hành phán quyết trọng tài

24/11/2011 07:15

Trường hợp các bên giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại (hình thức trọng tài vụ việc) nhưng sau đó bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, thì bên được thi hành theo phán quyết có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trần Văn Quốc

Thạc sĩ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 Quốc gia, ĐT: 04.37622620, website: www.luatsuvietnam.vn ) trả lời:

Theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì "phán quyết trọng tài" là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định. Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Thủ tục đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thực hiện theo Điều 62 Luật Trọng tài thương mại như sau: 1/ Theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, phán quyết của Trọng tài vụ việc được đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó. 2/ Trong thời hạn một năm kể từ ngày ban hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc phải gửi đơn xin đăng ký phán quyết trọng tài tới Tòa án có thẩm quyền kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực các tài liệu sau đây: a) Phán quyết trọng tài. b) Biên bản phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài vụ việc, nếu có. c) Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài đã được chứng thực hợp lệ. Bên yêu cầu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các tài liệu. 3/ Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Chánh án Tòa án phải phân công một thẩm phán xem xét đơn đăng ký phán quyết. Trong 10 ngày, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải kiểm tra tính xác thực của các tài liệu gửi kèm theo đơn và thực hiện việc đăng ký. Trường hợp xác định phán quyết trọng tài không có thật thì thẩm phán từ chối đăng ký, trả lại đơn yêu cầu cùng các tài liệu kèm theo và phải thông báo ngay, nêu rõ lý do cho bên có yêu cầu biết. Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án về việc từ chối đăng ký phán quyết trọng tài. 4/ Nội dung đăng ký phán quyết trọng tài: a) Thời gian, địa điểm thực hiện việc đăng ký. b) Tên Tòa án tiến hành việc đăng ký. c) Tên, địa chỉ của bên yêu cầu. d) Phán quyết được đăng ký. đ) Chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu của Tòa án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về thi hành phán quyết trọng tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.