Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng ký khai tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam

29/12/2012 07:15

Bác tôi là người Việt Nam định cư ở Pháp. Vừa qua, bác tôi về Việt Nam thăm họ hàng thì không may bị đột qụỵ và qua đời. Xin hỏi thủ tục đăng ký khai tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam được thực hiện như thế nào? Phạm Thị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội)

Bác tôi là người Việt Nam định cư ở Pháp. Vừa qua, bác tôi về Việt Nam thăm họ hàng thì không may bị đột qụỵ và qua đời. Xin hỏi thủ tục đăng ký khai tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Phạm Thị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội)

Luật sư Lương Thị Trâm (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:

- Căn cứ các quy định tại Điều 22, Điều 51, Điều 52 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về việc đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc đăng ký khai tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện như sau:

+ Về thẩm quyền đăng ký khai tử: 1. Việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi cư trú cuối cùng của người đó, nếu thân nhân của họ có yêu cầu; Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi người đó chết, thực hiện việc đăng ký khai tử.

+ Thủ tục đăng ký khai tử: Người đi đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định như sau: a) Giấy báo tử phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người chết; giờ, ngày, tháng, năm chết; địa điểm chết và nguyên nhân chết; b) Thẩm quyền cấp Giấy báo tử: - Đối với người chết tại bệnh viện hoặc tại cơ sở y tế, thì Giám đốc bệnh viện hoặc người phụ trách cơ sở y tế đó cấp Giấy báo tử; - Đối với người cư trú ở một nơi, nhưng chết ở một nơi khác, ngoài cơ sở y tế, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết cấp Giấy báo tử ; - Trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, thì quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thay cho Giấy báo tử; - Trường hợp người chết có nghi vấn, thì văn bản xác định nguyên nhân chết của cơ quan công an hoặc của cơ quan y tế cấp huyện trở lên thay cho Giấy báo tử; - Đối với người chết trên phương tiện giao thông, thì người chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông phải lập biên bản xác nhận việc chết, có chữ ký của ít nhất hai người cùng đi trên phương tiện giao thông đó. Biên bản xác nhận việc chết thay cho Giấy báo tử; - Đối với người chết tại nhà ở nơi cư trú, thì văn bản xác nhận việc chết của người làm chứng thay cho Giấy báo tử; …

Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký khai tử và bản chính Giấy chứng tử, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy chứng tử cho người đi đăng ký khai tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi đăng ký khai tử. Sau khi đăng ký khai tử, Sở Tư pháp gửi cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bản sao Giấy chứng tử để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân hoặc thường trú.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký khai tử cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.