Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa

26/11/2013 07:03

Đề nghị quý báo cho biết, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các trường hợp sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và trường hợp sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quy định như thế nào? Ngô Vi Khả (Huyện Ba Vì)

Đề nghị quý báo cho biết, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các trường hợp sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và trường hợp sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quy định như thế nào?
Ngô Vi Khả (Huyện Ba Vì)

Luật sư Trần Anh Dũng (Công ty Luật Đại Phúc; ĐT: 04.62663744; Fax: 04.62663064. website: http://luat su. vlf.vn) trả lời:

Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 26, quy định "Về cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở...", ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013 ngày 24-4-2013 của UBND TP Hà Nội, nội dung như sau:
1. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP.

2. Việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng không đúng mục đích trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trước ngày 1-7-2004 chỉ được thực hiện sau khi xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Trường hợp sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh: a) Trường hợp sử dụng đất trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh hoặc có nguồn gốc do lấn, chiếm đất di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thì không cấp giấy chứng nhận. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm lập phương án thu hồi đất, di chuyển các hộ gia đình, cá nhân và thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định. b) Trường hợp đất nằm ngoài khuôn viên di tích hoặc sử dụng đất không phải do lấn chiếm đất di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhưng nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và sử dụng đất từ trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chỉ giới bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên bản đồ và thực địa thì được cấp giấy chứng nhận theo quy định này và ghi chú trên giấy chứng nhận về việc nhà đất nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trường hợp sử dụng đất sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chỉ giới bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên bản đồ và thực địa thì không được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp thì được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 5 Điều 19 bản quy định này. c) Đối với trường hợp nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng có giấy tờ về sử dụng đất quy định tại Điều 18 bản quy định này thì được cấp giấy chứng nhận và ghi chú trên giấy chứng nhận về việc nhà đất nằm trong di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

4. Đối với trường hợp sử dụng đất tại khu vực di tích nhưng chưa được công nhận thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã rà soát hiện trạng và tiêu chí theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Nếu đủ điều kiện thì đề xuất xếp hạng, công nhận di tích và xác định ranh giới, tổ chức giải phóng mặt bằng (nếu có); nếu không đủ điều kiện xếp hạng công nhận di tích thì xét cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.