Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để người trồng lúa quá thua thiệt

ANHTHU| 25/09/2009 07:27

(HNM) - Vụ lúa hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long và vụ mùa  ở Đồng bằng Bắc bộ năm nay được xem là vụ lúa đạt hiệu suất cả về diện tích và năng suất so với vụ trước, năm trước.

(HNM) - Vụ lúa hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long và vụ mùa ở Đồng bằng Bắc bộ năm nay được xem là vụ lúa đạt hiệu suất cả về diện tích và năng suất so với vụ trước, năm trước.

Thế nhưng người nông dân không trọn niềm vui bởi thóc, gạo của ta luôn phải chịu thiệt về giá, giá lúa quá thấp (dưới 3.000 đồng/kg), giá gạo xuất khẩu cũng bị ép ngay tại thị trường trong nước, chưa nói đến xuất khẩu. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do thiếu thống nhất trong quản lý và tiêu thụ từ khâu thu mua đến xuất khẩu. Tính đến trung tuần tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,72 triệu tấn gạo, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2008, xếp hàng đầu thế giới, nhưng kim ngạch chỉ đạt 1,926 tỷ USD. Năm 2009, Hiệp hội Lương thực dự tính xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, vượt 1 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu.

Nhưng, giá gạo Việt Nam hiện thấp nhất thế giới (trước đây chỉ kém giá gạo của Thái Lan 30-40 USD, nay kém đến 100 USD/tấn, thậm chí có lúc còn kém cả giá gạo của Pa-ki-xtan vốn được đánh giá là gạo có chất lượng thấp hơn gạo ta). Chuyện giá gạo đang có những nghịch lý: Giá gạo xuất khẩu của ta thấp, liên tục bị đối tác ép giảm giá, mà nguyên nhân chính là do tư thương và doanh nghiệp trong nước đua nhau tìm cách bán dưới giá sàn để lấy lãi "xổi", tạo điều kiện cho khách hàng nước ngoài ép giá. Thế là ta tự gây khó cho ta! Mặc dù quy định giá gạo xuất khẩu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thống nhất đưa ra, nhưng trong thực tế mức giá chung này chưa có hiệu lực. Việc gom mua thóc, gạo thường do tư thương ở các địa phương thực hiện, sau đó bán lại cho các công ty lương thực theo giá thỏa thuận, vì vậy giá mua gốc từ người trồng lúa thấp là khó tránh.

Bình ổn thị trường lúa gạo bằng tích cực đẩy mạnh xuất khẩu, tăng sức mua cho nông dân, là quyết sách của Chính phủ. Có những tín hiệu đáng mừng: trong 20 ngày đầu tháng 9 đã có 147.106 tấn gạo xuất khẩu và giá lúa gạo ở cả hai miền đều tăng trở lại. Đây là những diễn biến tích cực đang từng bước bình ổn giá lúa gạo trong nước và giữ giá xuất khẩu. Nhưng đáng chú ý hơn cả là việc Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu trong 2 tháng (từ ngày 20-9 đến 20-11), Tổng Công ty Lương thực miền Nam phải hoàn thành việc mua tạm trữ 500.000 tấn gạo vụ hè thu năm 2009 để duy trì giá lúa trên thị trường, bảo đảm cho người trồng lúa tối thiểu lãi 30%. Trong khi đó, Bộ Công thương cũng đang soạn thảo quy định mới về quản lý hoạt động xuất khẩu lương thực; trên cơ sở đó đưa ra những chế tài cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo. DN ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp hơn giá sàn sẽ không được đăng ký hợp đồng XK. Làm như vậy vừa giúp nông dân bán được lúa gạo, không bị ép giá, không bị thiệt thòi, vừa có được mức lợi nhuận hợp lý như chỉ đạo của Chính phủ.

Song, cũng đã đến lúc phải thay đổi tư duy không chỉ đầu tư nâng cao sản lượng lúa gạo mà cần chú trọng hơn tới nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm gạo cùng các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; để gạo và hàng nông phẩm của ta có thương hiệu. Kiên quyết loại bỏ lối làm ăn chụp giật, chỉ biết lợi mình của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, để hạt gạo Việt Nam khẳng định được cả về chất lượng và giá trị trên thị trường quốc tế.

Bùi Nguyễn

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để người trồng lúa quá thua thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.