Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thoát nghèo bền vững

Hoàng Thu Vân| 31/12/2012 05:54

(HNM) - Theo dự kiến, hôm nay (31-12-2012) sẽ diễn ra chương trình cả  nước chung tay "Vì người nghèo". Với sự đồng tình hưởng ứng, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong những năm qua, người nghèo trong cả nước đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ tích cực và thiết thực.

Nói cách khác, phong trào chung tay "Vì người nghèo" đã có những chuyển biến mạnh mẽ và ngày 31-12 hằng năm đã trở thành ngày Tết của những người nghèo trong cả nước. Theo Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, năm 2012 cả nước vận động được gần 7.500 tỷ đồng ủng hộ người nghèo (trong đó Quỹ Vì người nghèo 4 cấp vận động được gần 1.500 tỷ đồng; vận động thực hiện các chương trình an sinh xã hội được gần 6.000 tỷ đồng). Nguồn kinh phí nêu trên đã giúp cho việc xây mới và sửa chữa 84.900 nhà dột nát cho hộ nghèo, hỗ trợ xây hàng ngàn công trình dân sinh và hàng triệu hộ nghèo được giúp đỡ, khám chữa bệnh, học tập, phát triển sản xuất...

Tuy nhiên, cùng với việc chung tay "Vì người nghèo" thì vấn đề giúp các hộ dân ổn định, phát triển sản xuất; tạo việc làm; xây dựng các mô hình phù hợp với đặc điểm từng địa bàn dân cư; đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế… là đặc biệt quan trọng giúp cho việc giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn 2012-2015. Thực hiện những "gạch đầu dòng" quan trọng đó cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, song trên thực tế vẫn còn những câu chuyện tại những địa phương cụ thể cho thấy trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, công tác xóa đói giảm nghèo bền vững chưa được coi trọng đúng mức.

Thời gian qua, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hàng loạt công trình, dự án đã được gấp rút triển khai. Điều đó dẫn đến hàng vạn, thậm chí là hàng triệu hộ dân phải dời khỏi nơi ở cũ, hy sinh lợi ích cá nhân cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vậy việc tái định cư, giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất, sử dụng đồng tiền đền bù hiệu quả, có việc làm ổn định… có là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền?

Như báo chí đưa tin trong mấy ngày qua, do nhận được tiền đền bù từ dự án Thủy điện Sông Bung 4, hàng chục hộ dân ở Nam Giang (Quảng Nam) bỗng chốc thành tỷ phú. Riêng hơn 50 hộ dân ở thôn 2, xã Tà Pơơ tới thời điểm này nhận được đền bù, hỗ trợ với tổng số tiền là hơn 100 tỷ đồng để di dời đến nơi ở mới, cách nơi ở cũ hơn 7km… Có trong tay một số tiền lớn như vậy, đáng lẽ người dân phải tính toán chặt chẽ việc đầu tư xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới, sẽ làm nghề gì, sản xuất như thế nào trong tương lai để có thể duy trì và ổn định cuộc sống… Nhưng điều đáng buồn là có tiền trong tay người dân (trong đó có cả các gia đình cán bộ ở cơ sở) lại không nghĩ tới những chuyện đó mà xây dựng những ngôi nhà gỗ trị giá tới hàng tỷ đồng, rồi mua sắm xe máy đắt tiền cùng những tiện nghi như tủ lạnh, tivi, dàn karaoke đời mới, bàn ghế salon… Lao vào cuộc "chạy đua", nhiều nhà phút chốc tiêu hết tiền đền bù, thậm chí còn phải nợ nần họ hàng, làng xóm. Đáng buồn hơn, để có những ngôi nhà hoành tráng tốn tới hàng chục mét khối gỗ, nhiều cánh rừng quanh khu vực tái định cư đã bị xóa sổ… Không biết cuộc sống của người dân nơi đây ngày mai sẽ ra sao? Bao nhiêu hộ sẽ lại rơi vào cảnh nghèo đói? Như phát biểu của một số lãnh đạo địa phương thì cũng đã tuyên truyền, vận động người dân trong việc sử dụng có hiệu quả số tiền đền bù họ nhận được nhưng… bà con không nghe. Vậy là bó tay? Những công bộc của dân như thế đã làm tròn trách nhiệm của mình? Liệu họ có day dứt gì không khi chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều hộ dân từng được đền bù tiền tỷ trở thành trắng tay, không công ăn việc làm, phương tiện sản xuất…?

Chỉ một câu chuyện trên cũng có thể thấy, công tác xóa đói giảm nghèo còn rất nhiều việc phải làm ngay từ cơ sở. Chung tay "Vì người nghèo" là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là lo nghĩ và tạo cho họ "chiếc cần câu", giúp họ đủ khả năng ổn định cuộc sống. Đó mới là sự vươn lên thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thoát nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.