Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nhất sự nghiêm minh, công bằng

Dục Tú| 15/02/2013 06:12

(HNM) - Hôm qua, mùng 5 tháng Giêng, lễ hội Đống Đa đã mở màn mùa hội xuân Quý Tỵ 2013 trên đất Thủ đô.

 Với Hà Nội, một năm có tới hơn nghìn lễ hội lớn nhỏ, đa số được tổ chức vào dịp đầu xuân, có thể xem là nhiều nhất cả nước. Có nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ hội cổ truyền, đó là lợi thế văn hóa và du lịch, nhưng cũng là sự khó cho nhà quản lý và tổ chức. Nói khó là bởi bao năm qua, hội xuân đi liền với điều tiếng về tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, nặng nề nhất là xu hướng "thương mại hóa", nạn "buôn thần, bán thánh". Còn nhiều điều tiếng có nghĩa là công tác tổ chức, quản lý lễ hội còn phải rút kinh nghiệm nhiều.

Năm nay, trước mùa hội xuân mới, cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương tới địa phương đều đã khuyến cáo về công tác thanh tra, kiểm tra định hướng tổ chức và quản lý. Nói là có những quy định mang tính đột phá, e rằng quá lời, nhìn chung là nhắc lại những nội dung đã có từ lâu, chẳng hạn như về đốt vàng mã, thắp hương, ứng xử, quy hoạch hệ thống kinh doanh dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy nổ, sử dụng tiền công đức… Nói vậy, và dựa trên sự yếu kém, tồn tại trong những năm trước, có nghĩa muốn mọi sư. tốt lên, muốn có chuyển biến trong thực tế thì chất lượng công tác tổ chức và quản lý lễ hội phải được nâng lên, đặc biệt là về kiểm tra, xử lý vi phạm. Tại sao phải nhấn mạnh đến mặt công tác này?

Trong nhiều năm trước, người viết từng được theo chân đoàn kiểm tra lễ hội, cả đoàn của cơ quan trung ương lẫn đoàn của tỉnh, thành phố. Có đợt là kiểm tra liên ngành, có cuộc thành phần toàn người ngành văn hóa. Có lúc là đi cùng đoàn, nhưng cũng có khi theo lịch hẹn mà tự đến chùa A, đền B… Nhưng dù là đi dưới dạng nào, cùng cơ quan nào thì vẫn thường có tình huống phía kiểm tra chưa tới người sở tại đã biết rõ mười mươi. Có lẽ vì thế mà mọi sự thường trong khuôn khổ, "chấp nhận được". Có lần, ở một di tích mạn Bắc cầu Chương Dương, báo chí đến trước đoàn kiểm tra chừng nửa tiếng, mọi điều bị cấm vẫn "ê hề" trong khuôn viên di tích, từ bàn xổ số đến người sóc thẻ. Ấy vậy mà chỉ trước khi đoàn kiểm tra đến độ vài phút, tuyệt không còn một dạng vi phạm nào. Như thế là do nguyên nhân nào, hẳn ai cũng đoán được!

Cái khó còn ở chỗ nhà tổ chức những lễ hội lớn phải đón lượng khách quá đông, có khi lên tới hàng triệu người trong một mùa hội kéo dài tới vài ba tháng, khó chu toàn mọi bề. Cũng có nơi, sự khó quản lý còn là do bởi ràng buộc về mục tiêu tạo nguồn thu. Chính quyền sở tại có khi vướng bận lý do kinh tế, muốn tận thu từ việc cho thuê địa điểm kinh doanh, "nhỏ to" rồi thì rất khó xử lý phía vi phạm, hoặc phạt hộ này mà "lơ" cho hộ kia. Sự khó quan trọng nữa là nhiều người dự hội ứng xử rất kém.

Nói về giải pháp quản lý, tổ chức lễ hội thì có thể nhắc lại ở đây không xuể, từ những gì đã được nghe, được đọc, được xem. Tuy thế, như nhiều lần đã đề cập, giải pháp quan trọng nhất, cần thiết nhất vẫn là tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Muốn thế thì phải tỏ rõ sự nghiêm minh, thể hiện sự công bằng, khách quan trong xử lý vụ việc. Và, biết đâu còn cần đến cả biện pháp giám sát đối với một số bộ phận làm công tác thanh - kiểm tra việc tổ chức lễ hội nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nhất sự nghiêm minh, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.