Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn mực và đạo đức trong tranh luận

Thế Phương| 22/02/2013 06:44

(HNM) - Câu chuyện xoay quanh bài viết trên blog cá nhân của vị đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh - ông Hoàng Hữu Phước - cũng như ngay cả cách xin lỗi của ông, tiếp tục làm

Có người cho rằng việc làm của đại biểu Quốc hội này "có dấu hiệu vi phạm pháp luật", cũng có người bày tỏ cảm thông với những lời "xin lỗi", có người lại khen ông Phước đó là người… "dũng cảm" dám bày tỏ ý kiến cá nhân…

Tranh luận mang tính phản biện không phải là chỉ trích, hay chuyện ai đồng ý với ai mà là sự bổ sung nhằm "chuẩn mực hóa" các giá trị. Chúng ta cần hiểu rằng, trong thế giới với những thành tựu công nghệ thông tin hiện nay, việc đại biểu Quốc hội mở những blog cá nhân, chuyển tải thông điệp của mình trước những vấn đề xã hội, hoặc tranh luận, thể hiện trách nhiệm trước những vấn đề của quốc gia, dân tộc, hay chỉ đơn giản là xây dựng hình ảnh cá nhân… là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng những thông điệp mang tính cá nhân đối với người là đại diện của một tầng lớp người, hay đại diện cho nhân dân thì lại hoàn toàn khác. Không thể nại lý do là blog cá nhân thì có thể đưa những thông tin thiếu sàng lọc hay thóa mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bất cứ ai, bởi nó có ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, thậm chí có thể gây mất lòng tin và nhiều hệ lụy cho xã hội.

Con người xã hội phải luôn được điều chỉnh hành vi bởi các thiết chế xã hội (hệ thống pháp luật, những quy chế, quy định của các tổ chức…), nếu ở lĩnh vực nào đó mà thiết chế xã hội chưa điều chỉnh thì con người xã hội bị điều chỉnh bằng những quy ước xã hội có thể bằng văn bản hoặc bất thành văn (quy ước đạo đức, quy ước ứng xử). Vì vậy, dù đứng ở bất kỳ quan điểm nào thì cũng cần nhận thấy rằng, đã là một công dân, trước hết phải tôn trọng pháp luật và các quy ước đạo đức. Đại biểu Quốc hội - người đại diện cho nhân dân - càng phải tôn trọng pháp luật và các quy ước đạo đức hơn những công dân bình thường khác, bên cạnh đó là phải tuân thủ các quy định, quy chế về hoạt động của đại biểu Quốc hội. Và hơn hết ở khía cạnh là một con người xã hội, người đại biểu đó càng phải ứng xử có văn hóa.

Một bài viết trên blog của đại biểu Quốc hội không thể giống với chuyện "chém gió" tục tĩu của những thanh niên choai choai, hay những câu chuyện mang yếu tố kích động của người bất đắc chí, hay những kẻ chống phá Nhà nước... Do vậy, thông tin được phát ra từ những người đại diện cho nhân dân cần được cân nhắc một cách cẩn trọng, ít ra là như vậy. Trong mỗi khía cạnh hay mỗi lĩnh vực của đời sống con người bao giờ cũng có những cách lý giải khác nhau. Vì vậy cũng sẽ có hành động khác nhau để đạt được mục tiêu. Những cuộc tranh luận mang tính phản biện sẽ làm cho các hành động ấy trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần với đời sống của con người. Muốn như vậy, mỗi người khi tranh luận, phản biện thì cần chuẩn bị bằng trí tuệ, sự thông hiểu và được chuyển tải một cách chuyên nghiệp, có văn hóa.

Dù bất kỳ là ở đâu, trong bất cứ diễn đàn nào, kể cả trên blog, những ý kiến tranh luận đều cần đạt tới những chuẩn mực nhất định và phải xuất phát từ sự tôn trọng người đối thoại và cả những ý kiến trái với mình. Tranh luận trong phản biện xã hội là bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học. Đây chính là cơ sở để xây dựng văn hóa phản biện. Một vấn đề nữa, những cuộc tranh luận, những ý kiến khác nhau trước mỗi vấn đề của xã hội sẽ là thông tin hữu hiệu để cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét trước khi đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Nhà nước cần đưa ra những cơ chế để khuyến khích việc tranh luận dân chủ, phản biện xã hội, nhưng cũng cần có chế tài để chấn chỉnh, xử lý những trường hợp lợi dụng tinh thần dân chủ, lợi dụng các diễn đàn để lăng mạ, xúc phạm người khác, gây tác động xấu đến xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn mực và đạo đức trong tranh luận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.