Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kéo dài tuổi nghỉ hưu: Cần xem xét thận trọng!

Vũ Duy Thông| 05/03/2013 06:12

(HNM) - Đã có lúc, nghỉ hưu sớm, làm ít giờ được coi là quyền lợi, là sự ưu đãi đối với người lao động. Nhà nước quy định: Nam giới làm việc đến 60 tuổi, nữ giới, từ 50 đến 55 tuổi được nghỉ hưu. Lúc đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam còn thấp.

Nhưng rồi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng lên nhanh chóng, đến năm 2010 đã là 73 tuổi và cái ngưỡng 75 đang đến rất gần. Chúng ta cũng bước vào thời kỳ tỷ lệ dân số vàng và rồi từ đó, tham gia vào danh sách các nước dân số già: người trẻ ít, người già nhiều, lao động ít, người hưởng lương hưu nhiều. Trước kia, 55 tuổi đã khao thọ, vào hàng lão làng, nay 100 tuổi khao đại thọ không hiếm. Đi tìm những người trên 90 tuổi ở các làng, bản không khó. Thời gian sống từ khi nghỉ hưu (hoàn thành nghĩa vụ lao động với xã hội) đến khi mất hoàn toàn sức lao động trở nên quá dài. Thời gian còn sức khỏe, còn minh mẫn, còn sức cống hiến nhưng đã phải nghỉ hưu sớm một cách lãng phí ngày càng rõ. Như một nhu cầu của lương tri, người ta muốn được kéo dài thời gian cống hiến, tức là nâng tuổi nghỉ hưu ở một số ngành nghề, nhất là những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, hàm lượng trí tuệ lớn, không đòi hỏi nhiều đến cường độ cơ bắp.

Chưa có một thống kê nào chắc chắn nhưng thực tế có đến 60% cán bộ nghỉ hưu phải đi làm thêm bằng những nghề nặng nhọc, trái với chuyên môn để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ đời sống mới thấy ta đã để lãng phí một lượng lao động rất lớn. Tôi cũng không cho rằng một người được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhất thiết phải từ bỏ trách nhiệm quản lý. Có từ bỏ trách nhiệm quản lý hay không là còn do đòi hỏi của công tác chuyên môn, năng lực cụ thể và nguyện vọng của quần chúng nơi cơ quan công tác. Một nhà chuyên môn đầu ngành, ấp ủ một đề tài lớn thường chỉ thực hiện được đề tài đó khi anh còn có vai trò quyết định trong quản lý. Khi không có quyền nữa, hầu hết các đề tài của anh sẽ đổ vỡ.

Tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động không chỉ khai thác được thêm sức lao động xã hội, nhất là sức lao động trí thức mà còn rút ngắn thời gian xã hội phải nuôi một "đội quân" về hưu ngày càng lớn. Thế nhưng cũng có những trở ngại lớn: Đó là, nếu kéo dài tuổi về hưu, số lao động trong biên chế nhà nước mỗi năm một phình to, trong khi lao động bổ sung mỗi năm thêm 1,6 triệu người, vấn đề việc làm trở nên nan giải. Thêm nữa, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cán bộ quản lý thì những người có năng lực khó có cơ hội được thăng tiến vào vị trí cấp trưởng, cấp cống hiến được tốt nhất trong thời điểm cả tài năng, sự xốc vác, nhanh nhạy của họ ở độ sung mãn nhất.

Vì vậy, vấn đề nghỉ hưu ở tuổi nào cần được xem xét thận trọng. Nó phụ thuộc vào con người cụ thể, giới tính cụ thể, công việc cụ thể, nhu cầu cụ thể của cơ quan, địa phương... Với phụ nữ chẳng hạn, cách về hưu hàng loạt khi đến tuổi 55, ngừng đào tạo, đề bạt, cơ cấu khi đã 54 tuổi có phần đúng nhưng cũng để lại không ít bất cập, rõ nhất là lãng phí sức lao động, lãng phí cán bộ, lãng phí đào tạo... Trong khi đó, rất nhiều ngành nghề, công việc khác rất cần lao động nữ được nghỉ hưu sớm như khai thác mỏ, luyện thép, vệ sinh môi trường…

Tôi không đồng tình với một bài báo nào đó cho rằng xã hội phản đối kéo dài tuổi hưu vì cho rằng kéo dài thêm 5 năm tuổi hưu cho người quản lý là kéo dài thêm 5 năm bổng lộc. Tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng việc kéo dài thời hạn nghỉ hưu chẳng qua là vấn đề tiền, đóng ít sống lâu tiền đâu mà trả? Tôi nghĩ rằng vấn đề kéo dài hay không kéo dài tuổi nghỉ hưu liên quan trực tiếp đến con người, nó là vấn đề rất lớn và toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền được sống được làm việc, được đãi ngộ của xã hội cũng như của từng cá nhân, vì vậy rất cần thận trọng, cần từng bước nhưng kiên quyết thực hiện theo xu hướng chung của thế giới. Cái quan trọng hàng đầu là cần thay đổi cách nghĩ. Được làm việc, cống hiến hết sức mình và được đền bù xứng đáng với những cống hiến cũng là quyền cơ bản của con người mà xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân của mình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài tuổi nghỉ hưu: Cần xem xét thận trọng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.