Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự lực vượt qua rào cản

Tuấn Kiệt| 16/03/2013 06:09

(HNM) - Theo phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ngày 14-3 (giờ Mỹ), thuế suất với mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh nhập khẩu vào nước này của các doanh nghiệp Việt Nam tăng hàng chục lần.


Từ lâu, thân phận con cá ba sa của Việt Nam đã phải "cõng" trên lưng trách nhiệm nặng nề là làm sao tìm đường vào thị trường Mỹ, EU nhiều nhất có thể và nó cũng đã phải gánh chịu quá nhiều rắc rối với những kiện tụng từ các thị trường khó tính này. Vậy, liệu có cách nào gỡ được "tấm lưới" luôn chực chờ bủa vây đàn cá tra, cá ba sa?

Dự kiến, quyết định nói trên của Bộ Thương mại Mỹ sẽ kéo dài cho tới đầu năm 2014, khi cơ quan này tiến hành đợt xem xét hành chính tiếp theo. Lúc ấy, chưa ai dám chắc lại không có một phán quyết bất lợi cho các doanh nghiệp mà phía sau là hàng chục nghìn nông hộ ở nước ta. Bởi dễ hiểu là một khi Hiệp hội các nhà nuôi cá da trơn ở Mỹ khởi kiện thì phần lớn phán quyết của cơ quan quản lý Mỹ cũng sẽ bảo vệ quyền lợi của họ hơn là các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề là, việc tranh cãi mang tính định kỳ như thế, nếu chúng ta không có những cách làm bài bản, nếu doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cứ quá ỷ lại vào Nhà nước thì sẽ còn có những khó khăn. Bởi, nói gì đi nữa thì đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài là phải tuân thủ cơ chế thị trường. Chuyện kiện tụng về bản chất phải được xem là tranh chấp kinh tế giữa các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên ý thức chủ động bảo vệ chính mình. Trước nhất, là phải biết vì sao hàng hóa của mình lại bị kiện để có hướng phòng ngừa tận gốc, tránh sa đà vào những vụ tranh tụng có thể gây thiệt hại. Việc này có thể bắt đầu từ những chi tiết như tính minh bạch, rõ ràng trong các khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu, hay phải tìm hiểu nắm rõ các đặc tính của thị trường để cân đối, biết dừng ở một giới hạn phù hợp với từng thị trường. Thực tế, năm 2012 các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ có trị giá 358 triệu USD và đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Nhưng cũng trong năm 2012 diện tích nuôi trồng cá da trơn ở Mỹ giảm xuống ghê gớm, từ khoảng 67.000ha xuống còn 33.000ha. Với thực tế này, việc Hiệp hội các nhà nuôi cá da trơn ở Mỹ phản ứng là điều không có gì lạ.

Không chỉ là mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê, mà từ hàng chục năm qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như giày, túi nhựa, tôm, bật lửa… cũng đã nhiều lần đối mặt với các phán quyết về kiện bán phá giá và cũng không chỉ ở Mỹ mà cả ở thị trường lớn khác như EU. Một khi việc kiện tụng diễn ra thường xuyên như vậy thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần có những "chiến lược" chủ động ứng phó. Phải coi đây là một điều kiện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Cạnh tranh để phát triển. Nhà nước chỉ nên giữ vai trò điều tiết, cung cấp thông tin thị trường, tạo cơ chế chính sách, chứ không thể và không nên thay doanh nghiệp đối phó với kiện tụng thương mại. Chúng ta càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới sẽ càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, cạnh tranh… Do vậy, vấn đề với doanh nghiệp là cần có chính sách chủ động, có chiến lược lâu dài, vững chắc để đủ sức tự mình vượt qua những rào cản thương mại trên thương trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự lực vượt qua rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.