Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc quyền: Hay ho nỗi gì !

Dục Tú| 25/03/2013 05:47

(HNM) - Sau chuyện K+ xác nhận có bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong ba mùa bóng tới, trong đó có gói độc quyền, đa số người mê bóng đá có dùng truyền hình trả tiền đã nản, đơn giản là vì sau mùa bóng hiện tại, khả năng không thể xem nhiều trận đấu hay nếu không sử dụng dịch vụ K+ đã rõ ràng.

Những hộ gia đình đã chọn sử dụng dịch vụ K+ hoặc có ý định sử dụng dịch vụ này còn phải đau đầu về một câu hỏi chính đáng: Liệu K+ có nhân việc có gói độc quyền Giải Ngoại hạng Anh mà tăng phí thuê bao hay không?

Dư luận chưa kịp lắng xuống, nỗi bực bội chưa nguôi ngoai thì tuần qua lại có tin liên quan đến vấn đề độc quyền trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Người ta nói rằng Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), một tổ chức mới được thành lập đã có động thái yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xem xét kỹ việc cấp phép cho một số doanh nghiệp viễn thông muốn tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền trong thời gian tới. Động thái ấy, như cách dùng từ của Báo Tuổi trẻ trong số ra ngày hôm qua, 24-3, là "VNPayTV là đơn vị tích cực nhất trong việc ngăn cản sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường truyền hình trả tiền". Đến giờ, đa số đã rõ "các doanh nghiệp viễn thông" nói trên có Viettel, một cái tên mà nếu "để lọt" vào mạng lưới cung cấp truyền hình trả tiền thì với tiềm lực sẵn có của họ, thị trường sẽ có sự chuyển hướng, khó còn cảnh "một người, một ngựa, một đường" khiến dư luận phải bức xúc như trong thời gian gần đây.

Sự độc quyền trong lĩnh vực truyền hình trả tiền có lợi cho nhóm nhỏ kinh doanh, không có lợi cho số đông. Số liệu được dẫn trên nhiều phương tiện truyền thông cho thấy K+, cho đến trước thời điểm công bố có gói bản quyền Giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa tiếp theo, chỉ được chừng 400.000 hộ gia đình, chủ yếu ở đô thị, chọn sử dụng - một con số nhỏ nhoi. Nếu cộng cả đơn vị kinh doanh khác, đáng kể là VTC, VCTV, SCTV, HTVC, số liệu cho thấy tổng số thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam mới dừng ở mức ngoài 3 triệu, cũng lại tập trung ở đô thị là chính. Số thuê bao nói trên, trong một thời gian dài đã phải sử dụng dịch vụ trong tình cảnh "nắm lưỡi dao". Trước đây, VTC từng có lúc thay đổi đầu thu xoành xoạch, mỗi một đầu thu mới ra đồng nghĩa với việc thuê bao dùng đầu thu cũ mất đi cơ hội xem một vài chương trình nào đó. VCTV, SCTV tăng gấp 3 lần phí dịch vụ trong vòng 3 năm qua và cũng như cách tăng của 2 đơn vị này, việc K+ có tăng phí trong thời gian tới hay không, tăng như thế nào nằm ngoài ý chí, mong muốn của người sử dụng...

Có thêm "người mới" trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, người dân có được hưởng lợi? Tất nhiên là có. Sự lựa chọn phong phú hơn. Cơ hội có được dịch vụ phù hợp với nhu cầu, điều kiện tăng lên. Khả năng bị ép giá dịch vụ giảm đi. Cơ hội hưởng lợi từ việc nâng cấp chất lượng dịch vụ cũng tăng lên, do sức ép cạnh tranh lành mạnh buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải nâng cao năng lực tự sản xuất chương trình, đầu tư cơ sở hạ tầng. Rất khó "giữ bánh" với lối làm phổ biến hiện nay là "nhét" thật nhiều chương trình truyền hình của "thiên hạ" vào gói dịch vụ của mình, bố cáo "nội dung phong phú với hơn trăm kênh" rồi ung dung thu tiền.

Có thêm nhà cung cấp dịch vụ mới còn mở ra cơ hội cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đối tượng khó khăn lâu nay dù muốn cũng không thể sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. "Người mới", biết đâu rõ ý hướng về số đông, "ăn" nhờ số lượng thuê bao chứ không theo lối tìm thứ độc quyền rồi chăm chăm bán đầu thu, ra tay "chém cật lực".

Vậy thì, nên mở hay nên khép?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc quyền: Hay ho nỗi gì !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.