Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực chất và thực tế

Trà My| 15/11/2013 06:07

(HNM) - Hội nghị diễn ra ngày 14-11 là lần thứ 9 trong năm 2013, UBND TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Đây là nỗ lực lớn với phương châm:


Không khó để nhận thấy, 2013 là năm kinh tế Thủ đô tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, chỉ trong 10 tháng, đã có 10.079 DN ngừng hoạt động, hàng chục nghìn DN phải hoạt động cầm chừng vì lượng hàng tồn kho lớn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được (đặc biệt là bất động sản)..., dẫn đến nguồn thu ngân sách cả năm có thể sẽ hụt khá lớn so với dự toán. Trong bối cảnh cấp thiết ấy, Hà Nội đã có không ít chính sách để hỗ trợ DN trụ vững, trong đó có các chính sách hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; đẩy mạnh chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; xây dựng thương hiệu; xúc tiến đầu tư; kích cầu bất động sản...

Riêng lĩnh vực hỗ trợ vốn, Hà Nội đã ban hành hai quyết định trong tháng 4 và tháng 10-2013 để hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN.

Tuy nhiên, làm thế nào để những chính sách ấy phát huy tối đa hiệu quả thì chính các DN - đối tượng trực tiếp thụ hưởng các ưu đãi - sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Tại hội nghị ngày 14-11, nhiều DN tiếp tục kêu "khó". Đó là làm sao để DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất ổn định trong dài hạn. Rồi chính sách ưu đãi về thuế thu nhập không phù hợp vì DN đã "chết rồi" thì tìm nguồn ở đâu để nộp thuế thu nhập. Thay vì ưu đãi thuế thu nhập bằng thuế giá trị gia tăng (VAT) để giảm sức ép cho DN cũng là giải pháp được đặt ra. Chưa kể, mặt bằng tiền lương tăng nhanh nên DN sử dụng nhiều lao động hết sức lo lắng. Tỷ lệ đóng bảo hiểm bằng 30,5% tiền lương trong thời điểm hiện nay được cho là quá lớn cũng khiến DN "hụt hơi". Hoặc như chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN đến nay mới chỉ giải ngân được gần 7 tỷ đồng với 6 DN được hưởng thụ và việc thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay trị giá 80 tỷ đồng cũng được cho là "như muối bỏ biển" so với nhu cầu thực.

Rõ ràng, những tâm tư, đề xuất, kiến nghị trên là rất cụ thể và rõ ràng hơn lúc nào hết, DN đang cần sự đồng hành của các sở, ngành chức năng và của UBND TP. Cao hơn nữa là những chính sách điều hành kinh tế, tài chính vĩ mô ở cấp quốc gia để vực dậy được đà tăng trưởng.

Dự báo cả năm 2013, Hà Nội sẽ có khoảng 15.000 DN thành lập mới, gấp 1,5 lần số DN ngừng hoạt động. Nhìn sơ bộ thì đây là tín hiệu lạc quan, nhưng nhìn nhận khách quan thì thấy rằng DN thành lập mới về cơ bản chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đầu tư thăm dò nên kỳ vọng vào việc gia tăng doanh thu, nộp thuế ổn định vẫn chỉ là "đếm cua trong lỗ". Do vậy, những chính sách ưu đãi cần tiếp tục được điều chỉnh theo hướng thực chất và thực tế hơn so với những gì đang diễn ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực chất và thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.