Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng thí nghiệm chuyên trách: Không phải chuyện nhỏ!

Thủy Tiên| 08/12/2013 06:26

(HNM) - Vụ việc 4 người uống rượu ở Quảng Ninh tử vong do uống phải lô rượu sản xuất ngày 12-10-2013 có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng cho phép 2.000 lần, một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của thực phẩm độc hại đối với con người.


Dù sao Methanol còn là chất thông thường và nhiều cơ sở giám định có máy móc, thiết bị để phát hiện chất này. Nhưng việc không phân tích được đầy đủ các loại chất, đặc biệt các chất có thể gây độc hại cho con người chất trong những tuýp thuốc kích thích tăng trưởng rau mầm, giá đỗ cho thấy đây là vấn đề quan trọng.

Đêm 13-11, Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ xe tải do Trịnh Quang Doanh điều khiển chở theo 80.000 tuýp thuốc kích thích tăng trưởng cho rau mầm, giá đỗ. Trước thông tin chỉ cần ngâm hạt đậu xanh trong nước pha chất này từ 4 đến 5 tiếng là đã có giá đỗ thành phẩm dài hơn 3cm, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 đã làm công văn và cử cán bộ trực tiếp đến gặp các đơn vị: Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia, Trung tâm Đo lường chất lượng khu vực 1, Viện An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc và Cục Trồng trọt. Cả 5 đơn vị này đều từ chối với lý do: Không có trách nhiệm trong việc này và thiếu phương tiện kỹ thuật. Cuối cùng thì Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đồng ý giúp đỡ. Mặc dù rất nhiệt tình nhưng chính cán bộ chuyên môn ở đơn vị này thừa nhận là vô cùng khó khăn để tách ra một chất trong khi tuýp thuốc này pha trộn rất nhiều chất. Và kết quả ban đầu là thuốc này có độ kiềm rất cao.

Giả sử nếu Viện Khoa học hình sự từ chối phân tích, giám định thì lấy đâu ra kết quả (dù là ban đầu) để kết luận chất đó có hại hay không có hại với người tiêu dùng và nó có thuộc danh mục chất cấm theo tiêu chuẩn Việt Nam hay không? Việt Nam có Cục Vệ sinh và an toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) làm công tác quản lý nhà nước, có tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này thế nhưng lại không có một phòng thí nghiệm chuyên trách giám định, phân tích.

Việc không có một phòng thí nghiệm chuyên trách với trang thiết bị hiện đại cùng với các chuyên gia giỏi dẫn đến tình trạng khó có thể hoặc không thể phát hiện các chất độc hại hay chất có nguy cơ độc hại. Cũng khó có thể tách ra chất cần tìm trong thực phẩm hay hóa chất, ví như tuýp thuốc kích thích tăng trưởng rau mầm, giá đỗ có rất nhiều chất pha trộn nêu trên. Có thể nói việc có phòng thí nghiệm chuyên trách trong lĩnh vực này không phải vấn đề mới vì rất nhiều nước đã làm, hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ áp dụng mô hình này. Thêm nữa, việc phát huy hiệu quả của một phòng thí nghiệm như vậy sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quan trọng hơn là bảo vệ giống nòi Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng thí nghiệm chuyên trách: Không phải chuyện nhỏ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.