Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biết rồi... nhưng vẫn phải nói!

Thế Phương| 06/02/2014 06:37

(HNM) - Đến hẹn lại lên, một mùa lễ hội mới lại bắt đầu trên khắp dải đất hình chữ S này. Đi lễ đầu năm không chỉ để ước nguyện cho một năm mới tốt đẹp hơn mà còn để mỗi người Việt Nam tìm về với chốn tâm linh, với cội nguồn văn hóa dân tộc sau những ngày nhọc nhằn vất vả mưu sinh.



Lễ hội đầu năm là một nét văn hóa đẹp của dân tộc, đi lễ đầu năm là một truyền thống đẹp của người dân Việt Nam. Thế nhưng, những cái đẹp mang đậm chất văn hóa ấy đang bị pha loãng, thậm chí bị biến tướng. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những câu chuyện từng gây bức xúc tại nhiều lễ hội trước lại diễn ra, dẫu vẫn là "biết rồi, khổ lắm..." nhưng không thể không nói vì mùa lễ hội mới chỉ bắt đầu.

Phủ Tây Hồ nườm nượp người lễ bái từ thời khắc đầu tiên của năm Giáp Ngọ, cảnh người này nhờ người khác đặt lễ, người nọ khấn sau lưng người kia lại diễn ra. Đáng nói hơn khi không vào được trong đền thì người ta gài tiền lẻ vào bất kỳ đâu có thể, thậm chí vứt cả tiền xuống hồ. Cảnh tương tự cũng diễn ra tại nhiều đền, chùa không chỉ trên địa bàn Hà Nội. Lễ bái như vậy là hành vi phản văn hóa, gây lãng phí trong xã hội. Phía sau câu chuyện tiền lẻ nhét đầy hậu cung (Đền Bà Chúa Kho, Phủ Giầy), lót dày dưới các đáy giếng (Chùa Hương, Đền Hùng...) là gì? Những hành động như vậy phải chăng đã và đang phản ánh lối tư duy thực dụng của một bộ phận người dân trong đời sống hiện đại là người ta có thể dùng tiền mua tất cả?

Có thể nói đây cũng là một trong nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng "lạm phát" hòm công đức đang diễn ra như nỗi bức xúc tại nhiều lễ hội. Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, mục đích ban đầu của hòm công đức là để đựng tiền lẻ đặt trên các ban thờ, thế rồi tiền trên ban thờ, tiền trong hòm công đức, tiền mua công đức trở thành những khoản riêng. Ở một số địa phương, tiền trong hòm công đức do nhà chùa, ban quản lý di tích quản lý, còn tiền ghi công đức do chính quyền địa phương quản lý. Hòm công đức có mặt ở khắp nơi và xem xét ở nhiều góc độ, đây là một sự tận dụng, thậm chí là tận thu... Và chính những việc làm này đã tác động trở lại, kích thích tâm lý sử dụng tiền như một công cụ để cầu may, cầu lộc. Chưa kể đến việc buôn thần bán thánh.

Mỗi năm cả nước có 8.000 lễ hội. Làm sao để những lễ hội này thật sự mang đúng ý nghĩa văn hóa tâm linh, làm sao để những hành động phản văn hóa không còn "đất diễn"… là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp bách. Có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng cần phân cấp quản lý, trả lễ hội về cho địa phương, cơ sở hay là trả phần lễ về cho dân, còn phần tổ chức quản lý, cơ quan quản lý nhà nước sẽ lãnh trách nhiệm… Những ý kiến như vậy đều có cơ sở. Tuy nhiên, dù ai quản lý, quản lý thế nào thì lễ hội cần phải trở về đúng bản chất. Những hành động phản văn hóa trong lễ hội phải được tẩy trừ để lễ hội không còn là "điểm nóng" mỗi dịp xuân về và để giới truyền thông không phải đưa tiếp những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm...", nhưng vẫn phải nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biết rồi... nhưng vẫn phải nói!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.