Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể tiếp tục "cào bằng"

Thế Phương| 31/07/2014 05:43

(HNM) - Dự kiến, trong tháng 8 này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2015 để trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 9 tới. Nhiều khả năng, lương tối thiểu năm 2015 sẽ tăng khoảng 10%.



Bên cạnh câu hỏi tăng lương thế nào thì việc trả lương theo vị trí việc làm lại được đề cập. Hiện nay, việc trả lương cho cán bộ, công chức vẫn thiếu công bằng, hay nói cách khác là "cào bằng". Thế nên, việc trả lương theo vị trí việc làm là cần thiết, vừa bảo đảm được sự công bằng, vừa phù hợp với năng lực, trình độ và kết quả làm việc; đồng thời, tạo động lực cho công chức, viên chức, người lao động hết lòng cống hiến, góp phần vào xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp. Việc này đã được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội, được đưa ra bàn thảo tại nhiều hội nghị, hội thảo của các ngành chức năng và cũng có rất nhiều ý kiến.

Trước hết, tiền lương của cán bộ, công chức theo quy định, được trích ra từ ngân sách nhà nước. Hiện nay mức lương chi trả cho cán bộ, công chức rất thấp (lương tối thiểu không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu), nhưng mỗi lần điều chỉnh lương là mỗi lần ngân sách phải "gồng mình". Nếu tăng lương tối thiểu và tiến hành trả lương theo vị trí việc làm, liệu có thể làm tăng đột biến quỹ lương? Nhiều người quan ngại: Số tiền trích ra từ ngân sách không đủ để trả lương cho công chức thì sao? Tuy nhiên, cũng có người cho rằng: Tiền lương là khoản đầu tư vào con người, đầu tư cho sự phát triển, thì phải bằng mọi cách tạo nguồn trả lương cho cán bộ, công chức, kể cả phải đi vay. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp hiện nay: Nguồn trả lương theo đúng năng lực, vị trí lấy từ đâu ra?

Một vấn đề nữa, trả lương theo vị trí việc làm không đơn giản bởi riêng việc rành mạch vị trí việc làm trong mỗi cơ quan đã là cả vấn đề (cơ quan cấp bộ có khi lên tới hàng trăm vị trí). Thêm nữa, không phải mỗi vị trí việc làm tương đồng về nội dung công việc đều có thể mang lại hiệu quả như nhau. Nếu trả lương theo kiểu "cào bằng" giữa những người làm tốt, những người làm chưa tốt hoặc không đáp ứng được nhu cầu trong cùng vị trí công việc sẽ nảy sinh sự không công bằng. Do vậy, bên cạnh những tiêu chí để đánh giá hiệu quả công việc để trả lương phải có cơ chế sử dụng thực chất. Theo một cán bộ của Bộ Nội vụ thì "phải có đào tạo, bồi dưỡng, có lên, có xuống, có vào, có ra và phải có đào thải...". Như vậy, có thể hiểu, trả lương theo vị trí công việc cần phải song hành với việc thay đổi cách đánh giá, sắp xếp cán bộ. Tuy nhiên, đụng vào vấn đề nhân sự lại không đơn giản. Số cán bộ, công chức dôi dư sau khi cơ cấu, sắp xếp lại vị trí công việc trong bộ máy sẽ phải xử lý như thế nào để vẫn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ?

Trả lương theo vị trí công việc và sắp xếp lại vị trí công việc trong các doanh nghiệp và các cơ quan của Nhà nước đều rất khó vì cùng lúc phải giải quyết hàng loạt vấn đề như: Tìm nguồn tiền cho việc trả lương, hài hòa những lợi ích... Nhưng khó cũng phải làm. Nếu không có cách nhìn thực tế và những giải pháp mạnh, chúng ta không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: Lương thấp - đời sống khó khăn - công việc trì trệ mà kết quả là cả một xã hội chậm phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể tiếp tục "cào bằng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.