Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết thực kích cầu du lịch

Tiến Phú| 18/08/2014 05:33

(HNM) - Với gần 1.300 làng nghề, hơn 3.800 di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là văn hóa ẩm thực đặc sắc, Hà Nội xứng đáng là một thành phố du lịch. Nhiều học giả, sách báo nước ngoài đã chọn Hà Nội là "điểm đến tin cậy", "nơi cần phải đến"… Tuy nhiên, do cách làm thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp nên sức hút của du lịch Thủ đô chưa thực sự cao.

Không khó đưa ra vài dẫn chứng sinh động cho nhận định này. Đó là tình trạng đeo bám du khách của những người bán hàng rong, đồ lưu niệm, hay hiện tượng "chặt chém" du khách của không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và một bộ phận trong đội ngũ lái xe taxi… Cũng không khó để nhận rõ nguyên nhân chính là do các ngành chức năng chưa thực sự bắt tay nhau để làm du lịch, "thả nổi" vấn đề chất lượng dịch vụ và giá cả; đặc biệt là thiếu quyết liệt chấn chỉnh những lộn xộn, bát nháo trong kinh doanh dịch vụ du lịch, gây phản cảm và làm rầu lòng du khách. Tình trạng này lâu nay dư luận cũng thường phản ánh, nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Còn một chuyện nữa, không mới nhưng báo chí ít thấy đề cập. Đó là trong khi nhiều thủ đô trên thế giới đều dành vị trí đẹp tập kết xe du lịch, để du khách có thể thả bộ tham quan, chụp ảnh, quay phim, mua hàng lưu niệm... nhưng ở Hà Nội, đặc biệt là khu vực xung quanh Hồ Gươm lại không có một khoảng không gian nào dành cho việc này. Đây là điều đáng tiếc, không những gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Hà Nội. Bởi cùng với Hồ Gươm thì khu vực phố cổ chính là "trái tim của Thủ đô", nên phần lớn du khách đến Hà Nội đều mong muốn được tham quan, hòa mình vào khu phố cổ, nơi lưu giữ những giá trị "rất riêng" của đất kinh kỳ văn hiến. Song, do khu vực này chủ yếu là những con phố nhỏ, ngõ ngách nhỏ, ô tô chở khách du lịch loại lớn (30-50 người) không thể đi vào để đưa đón khách. Vì vậy, các xe thường phải chạy lòng vòng, khi cần thả hoặc đón khách chỉ dừng lại 5-10 phút, thế là bị công an đến lập biên bản, có khi thu giữ bằng lái xe. Ở đây không phải chỉ là ứng xử giữa lực lượng thực thi công vụ với người lái xe, mà vấn đề là hàng chục du khách nước ngoài bị "nhốt" trên xe, buộc phải chờ xử lý xong và đã có một số trường hợp bị lỡ chuyến bay vì lý do này. Bắt gặp sự việc như vậy, nhiều người có cảm giác như lực lượng chức năng quá chú trọng tới việc xử phạt vi phạm trật tự giao thông mà xem nhẹ nỗi phiền muộn của du khách khi bị phiền hà, và chắc hẳn không ít du khách có góc nhìn khác về hình ảnh Hà Nội thân thiện, mến khách…

Du lịch vốn được đánh giá là "ngành công nghiệp không khói", là "con gà đẻ trứng vàng". Những bất cập nêu trên đã tác động tiêu cực đến tâm lý của du khách quốc tế và là một trong những nguyên nhân sụt giảm tăng trưởng của ngành du lịch Hà Nội. Vì vậy những bất cập này cần phải được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đặc biệt là việc quy hoạch điểm tập kết xe du lịch ở trung tâm thành phố, đồng thời xây dựng phong cách ứng xử uyển chuyển, thân thiện trong thực thi công vụ của các lực lượng chức năng. Đó thực sự là một giải pháp thiết thực nhằm kích cầu du lịch Thủ đô.

Nhân nói về chuyện kích cầu du lịch, việc Vinaphone vừa có gói cước ưu đãi mang tên "Xin chào Việt Nam" dành cho khách du lịch đến Hà Nội, trong đó có 50 phút gọi quốc tế miễn phí đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, được dư luận đánh giá cao. Rõ ràng để phát triển du lịch Thủ đô, củng cố hình ảnh Hà Nội thân thiện, mến khách, xứng danh Thành phố vì hòa bình trong lòng du khách quốc tế thì không thể thiếu sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực kích cầu du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.