Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trục lợi chính sách: Quyết định ngăn chặn ở cơ quan quản lý!

Trung Nguyên| 22/08/2014 05:44

(HNM) - Thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt và Công ty Đức Khải đề xuất nhập tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, đóng mới tàu làm dịch vụ hậu cần, cứu hộ cứu nạn, thậm chí đầu tư mua sắm cả trực thăng phục vụ hoạt động này... đã thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian qua.

1. Thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt và Công ty Đức Khải đề xuất nhập tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, đóng mới tàu làm dịch vụ hậu cần, cứu hộ cứu nạn, thậm chí đầu tư mua sắm cả trực thăng phục vụ hoạt động này... đã thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian qua. Xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo hai doanh nghiệp này làm "nức lòng" người dân cả nước với những kế hoạch có thể xem là táo bạo, với những tuyên bố mạnh mẽ, hùng hồn và tỏ ra hết sức tâm huyết.

Chưa bao giờ như bây giờ, lĩnh vực đánh bắt thủy sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, đang cần những thay đổi căn bản, cần những động lực mới để phát triển. Điều đáng nói, hoạt động này - với hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển còn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những đề xuất "táo bạo" của hai doanh nghiệp nêu trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; ngang ngược đâm va, gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam mà đỉnh điểm là đâm chìm tàu cá của ngư dân nước ta đang hoạt động bình thường trên ngư trường truyền thống. Dư luận cả nước "nức lòng" là vì thế.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày trước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có văn bản không đồng ý với những đề xuất này. Lý do? Hầu hết tàu (trong số lượng đề xuất) của hai doanh nghiệp trên có "tuổi thọ" vượt quá quy định tại Nghị định số 52/2010/NĐ-CP của Chính phủ về nhập khẩu tàu cũ và Nghị định số 53/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 52 (cụ thể, điểm 3, Điều 4: Tuổi của tàu không quá 8 tuổi tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu - tàu đã qua sử dụng...). Đáng chú ý, trong danh mục tàu mà hai doanh nghiệp đề xuất nhập khẩu, nhiều tàu có "tuổi thọ" hơn 30 năm, gấp nhiều lần quy định cho phép.

2. Không thể không liên hệ việc hai doanh nghiệp Trí Việt, Đức Khải đưa ra những đề xuất nêu trên với việc Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định số 67 đã đưa ra những chính sách căn bản, cụ thể, đồng bộ, tạo động lực phát triển đánh bắt thủy hải sản - đặc biệt là đánh bắt xa bờ. Trong đó, phương thức đánh bắt cũ sẽ dần được thay thế bằng phương thức đánh bắt mới hiện đại, hiệu quả. Điểm đáng chú ý là qua đó, Chính phủ dành những ưu đãi lớn về cơ chế, thời gian vay vốn, lãi suất vay... nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép. Tại sao lại không thể không liên hệ hai sự việc trên? Chẳng hạn, như lãnh đạo Đức Khải trả lời nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, hầu hết vốn thực hiện đề xuất "táo bạo" đó là vay vốn Chính phủ với lãi suất ưu đãi.

Rõ ràng, những đề xuất "táo bạo" đã nhắm vào "chính sách 67".

Trong khi kinh tế khó khăn, đất nước còn nghèo, việc Nhà nước chắt chiu nguồn vốn ngân sách nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển là một nỗ lực không nhỏ. Và cũng chính ngư dân mới là - và nên là đối tượng chính được thụ hưởng ưu đãi. Doanh nghiệp nhăm nhe trục lợi là không thể chấp nhận.

3. Chúng ta đã có nhiều bài học cay đắng về nhập khẩu công nghệ, thiết bị cũ nát, lạc hậu... Bác bỏ đề xuất nhập khẩu tàu cũ của Trí Việt, Đức Khải là hoàn toàn phù hợp bởi nếu không Việt Nam tiếp tục oằn lưng trước gánh nặng là "bãi rác" công nghệ, thiết bị… của thế giới. Tuy nhiên, dư luận không thể không đặt ra nhiều câu hỏi khác: Phải chăng hai doanh nghiệp nêu trên đang cố tình trục lợi chính sách nhà nước? Phải chăng họ lợi dụng một thời điểm nhạy cảm để "tận dụng" lòng yêu nước nhằm đạt mục tiêu kinh doanh?...

Trục lợi chính sách không phải chuyện hiếm. Vấn đề là cơ quan chức năng cần có những quyết định tỉnh táo, kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trục lợi chính sách: Quyết định ngăn chặn ở cơ quan quản lý!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.