Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một kỳ thi - Chưa hết những băn khoăn

Tuấn Kiệt| 13/09/2014 06:31

(HNM) - Sau nhiều tranh luận, việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học đã được Bộ GD-ĐT quyết định. Nhưng bây giờ đặt câu hỏi, kỳ thi nào bị bỏ, kỳ thi nào được giữ hẳn không ít người bối rối. Thực tế, ngay sau khi quyết định của Bộ GD-ĐT được công bố, hầu hết dư luận đều có rất nhiều câu hỏi băn khoăn xung quanh quyết định này.

Có thể khẳng định, ngay từ khi thông tin Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến về việc gộp hai kỳ thi làm một thì đa phần dư luận đồng ý. Thế nhưng, phương án cuối cùng của ngành chủ quản lại gây ra những "sóng gió" mà ngay cả một nhà giáo kỳ cựu cũng phải nói rằng: Những gì công bố mới chỉ chốt trên những nét lớn. Thầy trò chúng tôi đang mong chờ những quy định cụ thể nhưng cũng rất quan trọng.

Việc gộp một kỳ thi chung chắc chắn sẽ tiết kiệm cho xã hội nhiều thứ. Tuy nhiên còn có quá nhiều điều phải làm rõ. Trước đây chỉ có một điểm sàn, nhưng nay con số tăng lên hơn thế; rồi việc giao cho một trường khu vực làm chủ kỳ thi sẽ giống như mấy chục năm trước đã từng làm. Ngay cả việc trong số hàng nghìn trường thì trường nào giành được quyền tổ chức kỳ thi và ai sẽ giám sát, kiểm soát như thế nào với kỳ thi ấy chính là những câu hỏi chưa có trả lời. Đó là chưa kể, với những đặc thù của từng trường thì việc sẽ phải tổ chức phương án tuyển sinh riêng là điều đến lúc này có thể khẳng định chắc chắn không thể tránh khỏi…

Dù đến lúc này các lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi trả lời báo chí đều khẳng định sẽ "áp dụng rất linh hoạt". Song linh hoạt như thế nào thì dường như chưa ai nói. Ngay với câu hỏi làm thế nào để yên tâm về chất lượng coi thi, chấm thi theo cụm chỉ để xét tốt nghiệp, và liệu rồi có tạo ra bất công khi nhiều thí sinh thi ở cụm thi xét tuyển ĐH lại rớt tốt nghiệp. Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, có thể hiểu sẽ có hai loại cụm thi: Loại vừa tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH do trường ĐH làm chủ tịch hội đồng, giảng viên coi thi, còn cụm thi chỉ xét tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức. Lãnh đạo bộ khẳng định hai kỳ thi "sẽ nghiêm túc như nhau", nhưng cách nào cho nó nghiêm túc thì chưa ai khẳng định. Vì thế băn khoăn đặt ra là liệu cơ quan chức năng có kiểm soát được không khả năng sẽ có những cụm thi nghiêm túc và những cụm thi "tháo khoán".

Còn rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi băn khoăn nữa mà Bộ GD-ĐT sẽ phải dày công giải đáp. Thế nhưng, qua đợt thay đổi này cho thấy ngành giáo dục vẫn chưa đưa ra được một sự thống nhất trong nền giáo dục quốc gia. Và, dù đã có thông tin từ khá sớm, nhưng quyết định khá đột ngột của Bộ cũng đã gây ra những trăn trở cho không ít học sinh. Lẽ ra Bộ GD-ĐT nên cho "độ mở" để học sinh có thời gian chuẩn bị. Nhưng với quyết định này thì chắc chắn không ít học sinh lớp 12 sẽ phải "lo ngay ngáy" vì kỳ thi tới đang ở rất gần. Trả lời câu hỏi "Liệu phương án này có được duy trì trong thời gian dài?", chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng chỉ nói chung chung rằng: Đây là phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015, chứ không chỉ cho riêng năm 2015.

Nói gì đi nữa, giáo dục là "quốc sách hàng đầu" nên trước bất cứ một sự thay đổi nào cũng cần phải hết sức thận trọng. Có lẽ chính vì thế mà đã có những người đặt câu hỏi "Liệu giải pháp này sẽ được duy trì trong bao lâu?". Một câu hỏi mà đến nay chưa lãnh đạo nào của Bộ GD-ĐT trả lời dứt khoát. Nhiều năm qua, ngành giáo dục cũng đã có nhiều quyết sách liên quan đến cải tiến giáo dục, song kết quả vẫn chưa như mong muốn. Ai cũng nói học sinh chính là tương lai của đất nước. Song những tương lai ấy ra sao phụ thuộc phần nhiều vào giáo dục. Một kỳ thi quốc gia sẽ chỉ có ý nghĩa khi khâu tổ chức được thực hiện nghiêm túc. Nhưng đến lúc này, đây lại đang chính là điều mà dư luận xã hội lo lắng nhiều nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một kỳ thi - Chưa hết những băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.