Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn có văn minh đô thị, phải có nếp sống đô thị

Thế Phương| 24/01/2015 06:44

(HNM) - Có người nhận xét: Hà Nội là một cái làng - siêu làng. Trong đó, người dân vẫn có thói quen tùy hứng của nơi dân dã, thôn quê. Nói cách khác, bản chất và tính cách nông dân vẫn chi phối mạnh mẽ cách hành xử của cộng đồng cư dân nơi thành thị.

Dẫn chứng cho điều này là khả năng thích ứng cao của người Hà Nội trước nạn tắc đường. Đại để, đường không đi được thì lên hè, hè không đi được thì chui qua các ngõ ngách, miễn là " thoát hiểm", là đến được đích. Mặt trái của " khả năng thích ứng" ấy là lối hành xử tùy tiện, thiếu tôn trọng pháp luật. Và sâu xa hơn là tình trạng có luật, nhưng "mạnh ai nấy lách", dẫn tới "nhờn luật" mà hệ lụy của nó chính là những vấn nạn đô thị hôm nay... Từ những vấn đề này, có thể nhận định: Xây dựng trật tự văn minh đô thị, trước hết phải xây dựng được nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.

Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không chỉ tạo ra môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị mà còn góp phần xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. Ở điểm nhìn khác, nếu không có nếp sống văn hóa - văn minh sẽ không có những con người văn hóa - văn minh và cũng sẽ không có một Hà Nội trật tự, văn minh, hiện đại... Vậy, từ đây có thể đặt câu hỏi: Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị bắt đầu từ đâu?

Hiện tại, quy định về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không thiếu. Nhiều nội dung về nếp sống văn hóa - văn minh đô thị đã được thể chế hóa thành những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta có luật, nhưng cư dân đô thị lại chưa có truyền thống "trọng luật". Do vậy tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, trật tự xây dựng đô thị vẫn diễn ra trên nhiều tuyến phố, nhiều khu dân cư... Vì vậy, để xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, đổi mới tư duy pháp lý cần được đặt ra một cách mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Những quy định cụ thể có sức thuyết phục, việc xử phạt nghiêm khắc các sai phạm sẽ đưa mọi hoạt động của thành phố đi vào kỷ cương. Từ đó sẽ hình thành tư duy trọng nguyên tắc, trọng lý lẽ, trọng pháp luật và từng bước hoàn thiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trong mỗi cư dân và cả cộng đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội đã đưa ra tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử ở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố - như nhiều người nói là "hương ước" của người Hà Nội. Đây là nền tảng quan trọng để định hướng xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Tuy nhiên, thay đổi thói quen ứng xử của người dân không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Do vậy, việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không thể chạy theo phong trào hay tập trung xử lý các "sự vụ". Các cơ quan chức năng cần bền bỉ, kiên trì với nhiều giải pháp để xây dựng những phương thức ứng xử phù hợp với quá trình vận động và phát triển của xã hội. Việc thành phố tiếp tục lấy năm 2015 là "Năm trật tự và văn minh đô thị" cho thấy quyết tâm rất lớn của Hà Nội trong việc tạo ra sự chuyển biến về chất, mang tính bền vững để Thủ đô thật sự văn minh, hiện đại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Muốn có văn minh đô thị, phải có nếp sống đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.