Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hóa giải thế nào?

Vũ Duy Thông| 28/01/2015 06:00

(HNM) - Theo thông tin từ nhiều phương tiện truyền thông, tuy không tăng giá điện trong dịp Tết Ất Mùi, nhưng quý I-2015, nhiều khả năng giá điện sẽ tăng ở mức bình quân từ 1.508,85 đồng/kW/giờ lên 1.652,19 đồng/KW, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Theo EVN, việc tăng giá điện là một nhu cầu bức thiết để bù vào những khoản lỗ lớn; để có tiền đầu tư vào các công trình phục vụ nhu cầu của nền kinh tế và để phục vụ nhu cầu thị trường điện lực cạnh tranh đang gấp rút hình thành, trong đó có việc hấp dẫn các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện… Cụ thể, theo tính toán của EVN, số tiền thu được do tăng giá điện dự kiến phân bổ cho 3 việc: Dành thanh toán chi phí bổ sung môi trường rừng cho các nhà máy có công suất nhỏ trong hai năm 2011 và 2012; thực hiện đề án lắp đặt tụ bù giảm tổn thất điện năng; bù một phần chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn. Ngoài ra, EVN còn kiến nghị sử dụng một phần thu từ tăng giá điện để bù vào một phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn của năm 2013 (8.811 tỷ đồng) tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015.

Trong phát triển kinh tế, ngành điện phải đi trước một bước. Muốn đi trước một bước, nghĩa là thỏa mãn nhu cầu tăng lên nhanh chóng của các phụ tải, ngành điện phải đầu tư lớn vào các công trình bao gồm nhà máy sản xuất điện, hệ thống truyền tải gồm các trạm biến áp và hệ thống đường dây từ siêu cao áp, cao áp tới hạ áp. Muốn làm được việc đó, cần phải có số vốn rất lớn, nguồn vốn đó chủ yếu trông vào nguồn thu từ bán điện. Mặt khác, để hình thành từng bước thị trường điện lực cạnh tranh, cần nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Và với nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng cần có một giá bán điện hấp dẫn, bảo đảm có lãi. Ngoài hai yếu tố đó, ngành điện còn nhiều sức ép khác cần giải tỏa để kinh doanh có hiệu quả, đó là sự công bằng giữa các ngành kinh tế, việc bù đắp thiệt thòi trong những khoản chi công ích…

Thế nhưng cũng phải thấy rằng ngành điện lại là bộ máy cái của toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp, nếu không nói là có vai trò quyết định tới đời sống của hàng triệu người dân. Mỗi động thái của ngành điện nhất là vấn đề giá, thường tác động tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Làm cách nào để hóa giải mâu thuẫn đó, vừa phát triển được ngành điện, vừa ổn định được nền kinh tế và đời sống người dân đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc của cả ngành, không thể chỉ đổ cho khách quan, cho giá điện.

Tuy đời sống của người dân đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn nghèo. Ngay với những người khá giả, so với mức sống trung bình của nhiều nước vẫn thuộc loại nghèo. Điện là một trong những điều kiện hàng đầu để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Trong lúc đời sống người dân còn khó khăn, giá dầu đang giảm, sức ép xã hội đang đòi hỏi nhiều hàng hóa khác cũng phải giảm, việc tăng giá điện, ngoài việc đánh vào túi tiền người dân, còn là một làn gió trái chiều trong xu thế giảm giá hàng hóa hiện nay.

Để hóa giải mâu thuẫn giữa yêu cầu của ngành và nhu cầu của xã hội, trước hết cần minh bạch, rõ ràng trong thông tin. Khi người dân hiểu, đồng tình, chắc chắn sẽ có giải pháp mà chính ngành điện không thể nghĩ ra hoặc chí ít là không thắc mắc, phản đối mỗi lần tăng giá điện. Thứ hai, phải coi tăng giá điện là biện pháp cuối cùng, cực chẳng đã, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Liệu còn cách gì để tiết kiệm, giảm chi phí, từ đó có vốn ngoài việc tăng giá điện không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.