Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Dục Tú| 29/03/2015 06:02

(HNM) - Ngày 27-3, tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên - Hà Nội) đã diễn ra lễ khởi công dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị khu nhà ở giãn dân phố cổ.

Nhìn tổng thể, việc khởi công dự án được coi là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm hiện thực hóa cùng lúc mục tiêu kép: Thứ nhất, giảm mật độ dân số tại khu phố cổ Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc, di tích trên địa bàn một cách bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch. Thứ hai, bảo đảm cho người dân phố cổ có thêm cơ sở để yên tâm với lựa chọn của mình, ủng hộ một chủ trương lớn của thành phố.

Thực tế cho thấy công tác quy hoạch - quản lý đô thị và bảo tồn di sản có mối quan hệ gắn bó hữu cơ; duy trì mật độ dân số quá cao không chỉ tạo sức ép nặng nề cho việc thực hiện mục tiêu "gây dựng lại" những giá trị mang tính đặc trưng về không gian, kiến trúc, mô hình phố thị, mà còn cản trở quá trình làm sống lại những giá trị văn hóa phi vật thể và khai thác những giá trị đó một cách hiệu quả. Theo thời gian, cùng với sự gia tăng về mật độ dân số, những yếu tố thành phần làm nên giá trị cốt lõi của Khu phố cổ Hà Nội dần bị "pha loãng". Những "phố Hàng" không còn theo đuổi nghề truyền thống mà trưng ra mặt tiền đủ thể loại hàng hóa nhập ngoại hoặc được đưa về từ những vùng miền khác. Nhiều công trình kiến trúc hiện đại mọc lên, tuân theo nhu cầu cải tạo điều kiện sống và sở thích kiến trúc mang tính cá nhân, khiến không gian cổ kính trở nên loang lổ. Những công trình dân sinh một thời lẩn trong khuôn viên di tích, kéo theo hệ lụy đối với sự an toàn của di sản… Trong điều kiện đó, giãn dân phố cổ là một chủ trương đúng, nay đã được hiện thực hóa bằng bước đi đầu tiên - triển khai Dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở giãn dân phố cổ.

Một dự án quan trọng cần hướng đến những mục tiêu quan trọng và trong trường hợp này, điều quan trọng nhất mà những người thực hiện dự án phải hướng tới, phải bảo đảm huy động nguồn lực để thực hiện là bảo đảm chất lượng các công trình phục vụ người dân phố cổ khi họ chuyển về đây. Đó không chỉ là chất lượng nhà ở tái định cư, phương án tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện kinh doanh cho các hộ gia đình, mà còn là phương án đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, chăm sóc sức khỏe và học tập. Chỉ khi chất lượng của dự án quan trọng này được bảo đảm, môi trường sống mới đáp ứng yêu cầu của người dân, phù hợp với họ thì chủ trương giãn dân phố cổ mới có thể trở thành hiện thực đầy đủ.

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa tích cực của đề án giãn dân phố cổ, kế hoạch bảo đảm đời sống cho người dân tại nơi ở mới, Hà Nội cần sớm xây dựng phương án, lộ trình cụ thể cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong giai đoạn tiếp theo, sau khi đề án giãn dân hoàn thành. Đó cũng là phần việc quan trọng, không chỉ liên quan đến hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn, khai thác giá trị di sản, mà còn có ý nghĩa cổ vũ, động viên những người đã tự nguyện di chuyển theo đề án giãn dân phố cổ. Đồng thời cho thấy sự sẻ chia khó khăn, sự ủng hộ mà họ dành cho chủ trương lớn của thành phố đã góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển Thủ đô.

Đề án giãn dân phố cổ và quy hoạch quản lý, bảo tồn khu phố cổ Hà Nội được thực hiện vì mục tiêu chung của cộng đồng, dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở giãn dân phố cổ hướng tới quyền lợi của người dân. Đó đều là những phần việc cần được thực hiện với chất lượng cao, hướng tới mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm hài hòa lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.