Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai họa từ đâu ra?

Đan Nhiễm| 12/02/2016 06:57

(HNM) - Cùng với tai nạn giao thông tiếp tục nhức nhối, một thông tin kém vui trong những ngày Xuân Bính Thân là số vụ ẩu đả dẫn đến chấn thương diễn ra ở rất nhiều nơi.

Cụ thể: Trong 3 ngày (từ 7-2 đến 9-2, tức từ 29 đến mùng 2 tết Nguyên đán), cả nước có gần 2.000 trường hợp phải cấp cứu vì lý do ẩu đả, trong đó 10 trường hợp tử vong. Và trong những ngày tới, khi không khí hội Xuân còn kéo dài thì số vụ việc tương tự chắc chắn không dừng lại. Còn nhớ, dịp tết Ất Mùi 2015, trong khoảng 20 ngày trước, trong và sau Tết, đã có hơn 6.500 người phải nhập viện vì ẩu đả, trong đó 15 người vĩnh viễn không bao giờ trở lại cuộc sống.

Không khó để thấy, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là việc người dân, đặc biệt là thanh niên lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết. Người Việt quan niệm rằng, đến nhà ngày Tết phải cụng một ly, nâng một chén rượu thì mới gọi là chúc mừng năm mới. Người không "đáp lễ" sẽ bị khích bác, để rồi phải cố tỏ ra là "nam nhi đại trượng phu" dẫn đến không làm chủ bản thân. Ngày đầu năm gặp chuyện cự cãi, đánh nhau thì xui xẻo, nhưng khi "ma men" dẫn lối rồi thì khó mà kiềm chế được. Không ít trường hợp vừa mới chén chú chén anh đã có thể nhảy bổ vào nhau quyết sống mái vì lỡ miệng hoặc một lý do lãng xẹt nào đó…

Chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", hành xử mang nặng yếu tố bạo lực tăng mạnh trong những ngày Tết phản ánh tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội. Thói sĩ diện, quan niệm sai lầm về "người đàn ông chân chính" khiến nhiều người trẻ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm. Điều này phần nào cho thấy giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội có vấn đề.

Nhưng khuôn phép giáo dục trong nhà trường không thay được kỹ năng ứng xử, ví dụ, ra đường va chạm với người khác thì phải xin lỗi thay vì cãi cọ, thấy hai người đánh nhau thì phải xử lý thế nào? Mặt trái của kinh tế thị trường cũng khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ với con trong nhiều gia đình lỏng lẻo hơn. Không ít phụ huynh cho rằng, việc kiếm tiền mới là ưu tiên số một của họ, còn việc dạy dỗ con cái đã có nhà trường, từ đó dẫn đến bỏ bê việc dạy con đạo làm người và khi trẻ sa đà vào tệ nạn xã hội, trong đó có rượu bia thì đã quá muộn.

Chúng ta từng giật mình khi biết rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ bia thuộc diện lớn nhất thế giới, trên 3,4 tỷ lít trong năm 2015, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với năm 2010. Chúng ta cũng quá quen với chuyện "Tháng Giêng là tháng ăn chơi"... Giới truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về những thói xấu của người Việt và cả những nguy cơ có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng khi việc bán rượu bia dễ dàng như mua mớ rau ngoài chợ như hiện nay và không có phương cách quản lý hiệu quả thì "điều gì đến, sẽ đến". Bởi thế, ngoài các biện pháp tuyên truyền việc cấm lạm dụng rượu bia, đã đến lúc phải có chế tài nghiêm khắc hơn, chứ không chỉ là quy định của các bộ, ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai họa từ đâu ra?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.