Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cuộc đua" bình đẳng giữa các ứng cử viên

Bình Yên| 27/04/2016 06:12

(HNM) - Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND (hôm nay 27-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 21-5-2016), các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) để người ứng cử vận động bầu cử. Trước đó, trải qua quy trình 5 bước, 3 lần hiệp thương, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã chọn được 179 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND thành phố và 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH.

Cùng với 12 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu về, Hà Nội sẽ có 50 ứng cử viên để cử tri lựa chọn bầu ra 30 ĐBQH.

Việc TXCT, vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là hoạt động gặp gỡ, TXCT trực tiếp để báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND và trao đổi những vấn đề cử tri quan tâm. Đây là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ của mỗi ứng cử viên (ƯCV), qua đó quyết định lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, có khả năng thay mặt nhân dân tham gia Quốc hội, HĐND. Có thể ví, các cuộc TXCT vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ƯCV thể hiện mình, vận động cử tri bỏ phiếu cho mình.

Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nguyên tắc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm TTATXH. Khi đã được đưa vào danh sách chính thức, mọi ƯCV đều bình đẳng như nhau trong việc thể hiện chương trình hành động của mình và thực hiện vận động bầu cử theo luật. Người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó thông qua hội nghị TXCT do Ủy ban MTTQ tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Dù là hình thức nào, điều cử tri mong muốn, chương trình hành động của ƯCV phải nói được tiếng nói của cử tri trên diễn đàn Quốc hội và trước cơ quan Trung ương, địa phương; giải quyết được nguyện vọng chính đáng của nhân dân... Nếu cử tri thấy được, chương trình hành động sẽ mang lại lợi ích cho dân, địa phương và đất nước, chắc chắn họ sẽ bầu cho ƯCV.

Để bảo đảm công bằng giữa các ƯCV trong quá trình tổ chức vận động bầu cử, Điều 68, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nghiêm cấm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri… MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn để mọi người ứng cử đều bình đẳng như nhau, không có chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử. Các cơ quan báo chí cũng đã được lưu ý tuyệt đối không được thiên vị trong tuyên truyền chương trình hành động của ƯCV…

Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là nhiệm vụ thiêng liêng, vừa thể hiện quyền công dân, vừa thể hiện trách nhiệm của mỗi cử tri. Nếu cử tri chọn trúng thì đại biểu đó sẽ phát huy vai trò người đại biểu của nhân dân. Ngược lại, nếu cử tri chọn không trúng thì những nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ không được phản ánh một cách đầy đủ. Ngày 22-5, cử tri sẽ thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Từ hôm nay, cử tri hãy tham dự các buổi TXCT, tìm hiểu, đánh giá khả năng, năng lực của từng ƯCV để có sự lựa chọn sáng suốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc đua" bình đẳng giữa các ứng cử viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.