Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao tính chuẩn mực, tăng cường rèn luyện kỹ năng

Dục Tú| 29/05/2016 06:09

(HNM) - Đầu tháng 6 tới, Hà Nội tổ chức Hội sách thiếu nhi với chủ đề "Hè vui - Sách hay". Những mô hình tương tự, có ý nghĩa cổ vũ cho sự đọc của trẻ em còn được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong dịp hè năm 2016, bao gồm hội thi tìm hiểu về sách, giao lưu với tác giả viết cho thiếu nhi, trưng bày sách hay, thi kể chuyện về sách thiếu nhi…

Các đơn vị xuất bản, phát hành sách đều có kế hoạch cho ra mắt những tác phẩm mới dành cho thiếu nhi và tổ chức hoạt động quảng bá sách hay.

Những chuyển động tích cực trong lĩnh vực xuất bản sách thiếu nhi, trong việc cổ vũ văn hóa đọc ở trẻ là minh chứng cụ thể cho việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 - khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Nhìn rộng ra cả nước, trong thời gian qua, có thể thấy nhiều hoạt động có ý nghĩa tích cực đối với sự đọc của trẻ em, với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa, đặc biệt là hệ thống thư viện cấp tỉnh,thành phố, quận,huyện đã được kiện toàn; số lượng thư viện xã,phường, các điểm bưu điện văn hóa xã được nâng lên. Sự đọc của người dân, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng được quan tâm, thể hiện qua mức tăng về số tên sách được xuất bản hằng năm; các loại hình thông tin đại chúng như báo in, báo điện tử, báo hình… có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó là những mô hình xã hội hóa có ý nghĩa "khuyến đọc" như Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, hàng vạn tủ sách dành cho học sinh trong khuôn khổ chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam"…

Tuy vậy, có thể thấy, với những quyết sách liên quan đã được đưa ra cũng như chương trình hành động của các tổ chức, cá nhân đã được thực hiện trong thời gian qua, chúng ta mới có được bước tiến rõ rệt trong phần việc nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sách, ấn phẩm văn hóa. Như thế là chưa đủ, bởi xét theo khái niệm rộng thì "văn hóa đọc" bao gồm một số thành tố, quan trọng nhất là cách thức ứng xử với sự đọc, giá trị và chuẩn mực đọc. Bởi thế, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là thiếu nhi, không chỉ là xuất bản nhiều sách, báo, ấn phẩm văn hóa và tìm cách đưa các ấn phẩm đó đến với bạn đọc, mà còn phải có giải pháp nhằm tạo dựng thói quen ứng xử đúng đắn đối với giá trị văn hóa, với sách; giúp cộng đồng biết cách chọn sách hay, cần thiết, có ý nghĩa bồi bổ tri thức; có kỹ năng đọc, sao cho những gì tinh túy của nhân loại "ở lại" với mình thay vì gấp sách lại là không còn gì, có thể sử dụng những gì đã được học, được đọc để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, để cải thiện chất lượng sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Mục đích phát triển văn hóa đọc là phát triển thói quen, sở thích, kỹ năng đọc, hình thành một xã hội ham đọc sách, một xã hội học tập. Sâu xa hơn, từ những giá trị tinh hoa của các trang sách sẽ góp phần cùng các hoạt động khác xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Bởi vậy, cần có một hệ giải pháp để hướng sự đọc trong cả cộng đồng theo đúng hướng. Thứ nhất, cần xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc trên bình diện quốc gia, tức có thể tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong xã hội, tất cả đồng hành xây dựng văn hóa đọc. Thứ hai, tạo nguồn bổ sung sách, ấn phẩm văn hóa cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi; bảo đảm rằng người dân ở những khu vực này có điều kiện tiếp cận với sách, báo không thua kém quá xa so với khu vực thành thị. Muốn vậy, cần phải nâng cấp hệ thống thư viện tuyến huyện, xã. Thứ ba, song song với việc đầu tư cho đội ngũ sáng tác, dịch thuật, nhất là đội ngũ liên quan tới sách thiếu nhi, cần có cơ chế tôn vinh những người có đóng góp quan trọng cho việc phát triển văn hóa đọc. Thứ tư, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, thư viện, trường học cần tăng cường hoạt động hướng dẫn kỹ năng đọc cho giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao tính chuẩn mực, tăng cường rèn luyện kỹ năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.