Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để lặp lại những sai lầm

Nữ Quỳnh| 25/08/2016 07:01

(HNM) - Chúng ta đang phải trả giá khi chưa đặt đúng tầm mức vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Những vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do xả thải như vụ Vedan “bức tử” sông Thị Vải, Lee&Man “đầu độc” sông Hậu hay sự cố do Formosa gây ô nhiễm đối với vùng biển 4 tỉnh miền Trung đã để lại không ít hệ lụy và những bài học.


Hậu quả từ tác động môi trường đang ngày càng rõ nét và nặng nề hơn. Từ thủy điện đến khai khoáng, từ các dự án đầu tư nước ngoài đến các công trình phát triển hạ tầng… hệ lụy môi trường dễ dàng nhận thấy, là mất rừng, lũ lụt, sạt lở, là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, không khí…

Nguyên nhân thì rất nhiều, trách nhiệm đương nhiên “không của riêng ai”. Nhưng có một nguyên nhân chắc chắn, cụ thể và trực tiếp chính là sự yếu kém trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Qua hàng loạt vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây hoàn toàn có thể nhận định: Công tác ĐTM hiện nay còn nhiều bất cập, từ quy định pháp lý đến thực thi. Trong đó có thể đề cập đến 4 vấn đề chính:

Thứ nhất là từ cách nghĩ. Xuất phát từ lối sống đơn giản của người Việt, cái gì chưa xảy đến thì xem như chưa có. Dù luật pháp quy định ĐTM đối với mỗi dự án là yêu cầu bắt buộc, nhưng thực tế rất nhiều người chỉ coi việc này là một thủ tục. Sức ép thu hút đầu tư cũng khiến nhiều địa phương xếp yêu cầu ĐTM xuống hàng thứ yếu.

Thứ hai là vấn đề năng lực. Những yếu kém về năng lực chuyên môn của bộ máy thẩm duyệt hồ sơ là một thực tế không thể phủ nhận. Chưa kể tình trạng cán bộ dung túng, tiếp tay cho sai phạm. Chính ông Nguyễn Khắc Kinh, người ký phê duyệt Báo cáo ĐTM của Formosa, sau này đã lên tiếng cho rằng: “Tôi chỉ là người ngồi ký. Dự án đã có cả hội đồng thẩm định và đồng ý phê duyệt... Trong khi hội đồng có nhiều người, gồm cả những người có chuyên môn sâu, họ đã đồng ý rồi”.

Thứ ba là thiếu minh bạch. Có thể thấy, quy trình ĐTM các dự án đầu tư hiện nay “rất có vấn đề”. Pháp luật cho phép chủ đầu tư tự làm ĐTM, vô hình trung đã tạo ra sự thiên lệch trong lợi ích. Điển hình như Báo cáo ĐTM dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1 dày tới 285 trang, nhưng đánh giá tác động của nước thải đến môi trường chỉ chưa đến 2,5 trang.

Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang về ĐTM, cũng chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó, mà không có thông tin nào cho biết lượng nước thải này ảnh hưởng trước mắt và lâu dài ra sao đến môi trường. Đặc biệt đánh giá rủi ro về sự cố môi trường chỉ dài một trang, nêu vắn tắt một số sự cố, nhưng không có một dòng nào về sự cố với môi trường biển, với đất, không khí...

Thứ tư là xem nhẹ vai trò tham vấn cộng đồng. Báo cáo ĐTM của Nhà máy Giấy Lee&Man cho thấy việc tham vấn cộng đồng được chủ đầu tư thực hiện cho đủ thủ tục, chỉ gửi văn bản cho UBND và MTTQ xã sở tại. Tác động môi trường tới cả một vùng lưu vực sông Hậu, nhưng báo cáo chỉ khảo sát ý kiến của 20 hộ dân và cũng không nói cho người dân biết về nguy cơ tác động đối với nguồn nước, thủy sản là gì.

Từ những vấn đề đặt ra nêu trên có thể thấy, đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận những yếu kém và sai sót để thay đổi. Định hướng phát triển bền vững đất nước đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực bảo vệ môi trường, tránh lặp lại những sai lầm như đã xảy ra. Vấn đề là làm sao để tiếp tục phát triển mà không làm tổn hại tới môi trường sống của con người, đạt tới sự hài hòa lâu dài, bền vững giữa phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Còn như với tình hình hiện nay thì giống như lời của người ký phê duyệt Báo cáo ĐTM của Formosa rằng: “ĐTM giống như dự báo bão, bão đến rồi thì còn ý nghĩa gì nữa…”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để lặp lại những sai lầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.