Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách

Đình Hiệp| 21/12/2016 06:17

(HNM) - Năm 2016 sắp đi qua cũng là lúc để nhìn lại một năm đầy sóng gió với nền kinh tế toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, 2016 là năm nước ta đối mặt với những thách thức chưa từng có...


Thế nhưng, khi nhìn vào số liệu do Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, tiến độ thu NSNN 11 tháng qua vẫn đạt 89,8% dự toán (tương đương 911,2 nghìn tỷ đồng), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Với tiến độ thu này, chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu của "bài toán" này mà Quốc hội đề ra trong năm 2016 với tổng thu là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi 1.273,2 nghìn tỷ đồng.

Đây thực sự là nỗ lực vượt khó đáng ghi nhận của Ngành Tài chính nói riêng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành trung ương, địa phương nói chung, đặc biệt là đầu tàu kinh tế Hà Nội!

Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song thực tế cho thấy quy mô thu NSNN so với GDP giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững; tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nhiều. Nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực; thu không đủ chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao; cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao, phải vay đảo nợ; thậm chí nhiều địa phương chưa có khả năng cân đối ngân sách và điều tiết về ngân sách trung ương…

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện lập dự toán ngân sách theo Luật NSNN (mới) được Quốc hội thông qua tháng 7-2015. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự toán NSNN năm 2017, với tổng số thu cân đối ngân sách là 1.212.180 tỷ đồng, tổng chi 1.390.480 tỷ đồng. Dự toán NSNN lần này có nhiều điểm mới so với trước đây, liên quan đến thay đổi trong cơ cấu thu - chi, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và các ràng buộc trong trung hạn đối với NSNN.

Để hoàn thành mục tiêu này trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu, nhất là chống thất thu thuế, tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế. Tiếp đó là cần điều chỉnh việc lập dự toán NSNN phù hợp với những thay đổi dự kiến của tình hình kinh tế, nhất là biến động về tăng trưởng GDP, hoạt động xuất nhập khẩu và giá cả. Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi NSNN; phối hợp các bộ, ngành rà soát để loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả…

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TƯ, ngày 18-11-2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Để có thể giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp, trong đó cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực…

NSNN luôn đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Vì thế, từng bước giảm bội chi, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN là trọng tâm ưu tiên hàng đầu mà các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương cần thực hiện thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.