Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện!

Hà An| 07/02/2017 06:42

(HNM) - Sau mười năm thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg, ngày 12-7-2006, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trong các trường học (YTTH), hoạt động này vẫn được nhận định “thiếu và yếu” thì đây quả thực là điều phải nhìn nhận nghiêm túc.


Công tác YTTH nằm trong chủ trương chung về bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe học sinh trong tình hình mới và là sự cụ thể hóa một cách sinh động chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta và toàn xã hội dành cho trẻ em, học sinh. Với riêng Ngành Giáo dục, đây là một phần không tách rời của giáo dục toàn diện, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Hoạt động YTTH ngoài việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất cho cán bộ, giáo viên và đặc biệt là học sinh thì đồng thời còn là hoạt động tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm sự gắn bó chặt chẽ đức - trí - thể - mỹ trong môi trường học đường. Tuy nhiên, những bất cập, khó khăn của YTTH nhiều năm qua đã khiến không ít học sinh chịu nhiều thiệt thòi khi không được phát hiện kịp thời các bệnh, nhất là bệnh học đường, dẫn tới thể lực kém, thiếu kỹ năng sống... Để khắc phục tình trạng này, rõ ràng, vị trí YTTH phải được củng cố hơn nữa, được đưa vào chương trình hành động của ngành, của địa phương. Phát triển YTTH cũng không chỉ nhắm vào giải quyết bộ máy, biên chế… mà quan trọng là đưa hoạt động này đi vào thực chất, góp phần bồi đắp nội lực của chính nhà trường, của Ngành Giáo dục.

Chỉ thị 23/2006/CT-TTg của Thủ tướng đã chỉ rõ nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, cũng như việc phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết những khó khăn về đào tạo lực lượng y tế trong trường học, về chế độ, chính sách… cho nhân viên y tế. Vấn đề là cần tiếp tục rà soát những việc đã làm được, chưa làm được cũng như giải pháp, bước đi cụ thể thời gian tới.

YTTH rất cần sự đầu tư, nhưng không chỉ là đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất; đầu tư cho đào tạo bồi dưỡng con người - đội ngũ nhân viên mà cả đầu tư về tổ chức, thực hiện sao cho gắn liền với các hoạt động giáo dục của nhà trường. Nguồn lực ấy cũng không chỉ nằm ở ngân sách nhà nước mà còn ở nguồn xã hội hóa và đặc biệt, trong hoạt động giáo dục lại cần sự nỗ lực, sáng kiến của các nhà quản lý, của các thầy cô.

Thi nhân viên YTTH giỏi với những kỹ năng cụ thể là một cách tuyên truyền tốt, tuy nhiên, có thể học từ các nước việc gắn liền mô hình y tế học đường với các bài học giáo dục trực quan sinh động về chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống. Như các trường học của Nhật Bản, bài học đầu tiên của trẻ khi đến trường là phân loại rác đúng, cách tự chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân... thông qua hướng dẫn của lực lượng y tế. Chỉ khi nào YTTH được quan tâm, củng cố như một bộ phận cộng hưởng của giáo dục nhà trường, khi ấy tự nó sẽ góp phần thúc đẩy những cải thiện về chính sách, chế độ đãi ngộ.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% trường học có phòng y tế riêng là một trong những động thái cho thấy quyết tâm cao của Ngành Giáo dục Thủ đô. Song cũng như cả nước, mục tiêu sâu xa là YTTH phải trở thành một bộ phận thực sự của hoạt động giáo dục nhà trường để từng tỷ lệ phần trăm nỗ lực đạt được về định lượng này sẽ chuyển hóa thành chất lượng giáo dục toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ cho thế hệ tương lai của đất nước. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.