Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho trường chất lượng cao

Thế Đan| 07/03/2017 06:42

(HNM) - Sau vài năm thực hiện, tính ưu việt của mô hình trường chất lượng cao dần được khẳng định. Rõ nhất là do có sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, học sinh đã được thụ hưởng nhiều dịch vụ giáo dục không thua kém các trường tư thục danh tiếng.

Việc học của các em được tăng cường hoạt động trải nghiệm khám phá, tham quan, dã ngoại, tiếp xúc với thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm, phát triển tính độc lập, tích cực, sáng tạo. Điều đó đủ khẳng định trường CLC là mô hình giáo dục tiên tiến, góp phần đào tạo thế hệ học sinh có phẩm chất tốt, giỏi về tri thức, vững về kỹ năng.

Tuy nhiên, khi triển khai thực tế trên địa bàn Hà Nội, mô hình này đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể, trường CLC là mô hình hoàn toàn mới nên từ các cơ quan quản lý tới các trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Thấy rõ nhất là việc quy định trường CLC chỉ được hỗ trợ ngân sách trong một năm là không phù hợp, dẫn đến việc các trường rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Do đó, thành phố đã phải điều chỉnh theo hướng các trường CLC được ngân sách cấp kinh phí trong 3 năm kể từ khi được công nhận. Điều này giúp các trường có điều kiện và vững vàng trước khi tự chủ 100% về tài chính ở năm thứ tư hoạt động.

Ngoài ra, mức học phí tại các trường công lập CLC cao hơn nhiều so với trường công lập trên địa bàn nên tính “phổ cập” của trường còn hạn chế. Trong khi đó, do chưa có thời gian để khẳng định chất lượng nên nhiều phụ huynh e dè khi lựa chọn trường CLC cho con em theo học. Giáo trình, giáo viên đứng lớp cũng hay thay đổi (nhất là ở bậc mầm non), nhiều giáo viên vừa dạy vừa học thêm những kiến thức về trường CLC nên hiệu quả giáo dục còn nhiều nghi ngại.

Được biết, ngành Giáo dục Thủ đô đang nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về tiêu chí và chương trình CLC theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế, nhất là việc xây dựng các tiêu chí cụ thể về chuẩn “đầu ra” đối với từng cấp học. Cụ thể là “đầu ra” phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về trình độ ngoại ngữ, tin học, để học sinh khi tốt nghiệp có thể theo học liên thông ở các trường trong khu vực và quốc tế. Theo định hướng này, các trường CLC sẽ đẩy mạnh việc học song ngữ ở một số môn, tăng cường trau dồi cho học sinh các kỹ năng sống, học tập. Việc sớm ban hành quy chuẩn này là rất cần thiết, giúp phụ huynh, học sinh và nhà trường có “mốc” để hướng tới, thay vì trong cảnh “tù mù” như hiện nay.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là hiện nay Hà Nội đã có tiêu chí để công nhận trường CLC. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều trường có mục tiêu, định hướng riêng trong hoạt động dạy và học của mình nên có nhu cầu được công nhận, kiểm định bởi các tổ chức kiểm định độc lập khác nhau. Điều này là đáng khuyến khích dù rằng sẽ khó cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục này. Thực tế, hiện nhiều trường phổ thông ngoài công lập định hướng CLC đều có bộ phận bảo đảm chất lượng của riêng trường nhưng đây mới chỉ là hình thức đánh giá trong. Còn để được đánh giá ngoài, được công nhận như cách Hà Nội công nhận trường CLC thì còn khó khăn. Trong khi đó, việc không bó hẹp trường CLC ở khối giáo dục công lập cũng phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Rõ ràng, việc phát triển mô hình trường CLC không chỉ là việc của riêng mỗi trường này mà cần xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả ngành Giáo dục Thủ đô. Đặc biệt, cần tổng kết, đánh giá những vấn đề đang triển khai ở các trường được chọn thí điểm CLC, từ đó điều chỉnh những bất cập trước khi nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho trường chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.