Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải lấy y đức làm trọng!

Chí Kiên| 21/03/2017 06:54

(HNM) - Không thể phủ nhận rằng sự phát triển mạnh mẽ của các phòng khám y tế tư nhân những năm gần đây đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, giảm tải cho các bệnh viện công lập... Tuy nhiên, tình trạng “lộn xộn, bát nháo” của loại hình y tế ngoài công lập này không khỏi khiến dư luận bức xúc, các nhà quản lý đau đầu.


Nhiều tồn tại của hoạt động y tế tư nhân đã được ngành Y tế chỉ ra, đó là: Quảng cáo rầm rộ, theo kiểu “đánh lận con đen”; y đức người thầy thuốc bị lu mờ trước đồng tiền; hành nghề vượt quá giới hạn chuyên môn; người nước ngoài hành nghề chui, không phép… Thực tế rất đáng báo động khi chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng loạt phòng khám tư để xảy ra sai sót chuyên môn nghiêm trọng (một cách cố tình hoặc vô ý), không ít trường hợp bệnh nhân tử vong. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp không ít bất cập do chế tài hiện còn chưa chặt chẽ và đội ngũ cán bộ... thiếu.

Dễ hiểu vì sao “điệp khúc” bị phát hiện, xử phạt và... tái diễn vi phạm tồn tại ở nhiều phòng khám!

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, Chính phủ đã có nghị định; các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều quy định phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm... Tại Hà Nội, năm 2013, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/UBND về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Chỉ thị đã chỉ rõ trách nhiệm của từng sở, ngành và các quận, huyện, thị xã; trong đó để xảy ra vi phạm ở các phòng khám tư nhân, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất là Sở Y tế và chính quyền địa phương…

Chỉ đạo của UBND thành phố đã rõ ràng, cụ thể, các đơn vị, địa phương trong triển khai cần nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên hơn nữa với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trước mắt, ngành Y tế và cơ quan chức năng liên quan cùng các địa phương cần khắc phục tình trạng kiểm tra, xử phạt theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Đó là khi vụ việc xảy ra thì lực lượng chức năng ra quân rầm rộ, khi “hạ nhiệt” vi phạm đâu lại vào đấy. Khắc phục triệt để việc này, công tác thanh tra, kiểm tra cần thực hiện theo hướng thường xuyên và đột xuất. Với đặc thù ở Thủ đô, tập trung hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân, đông gấp nhiều lần các địa phương khác nên đội ngũ cán bộ thanh tra cần được xem xét cơ cấu lại, bảo đảm cả về số lượng cũng như chất lượng.

Về phía người dân, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bản thân nên trước khi đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào, mỗi người cần tìm hiểu rõ hoặc tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo.

Khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt. Các phòng khám tư nhân phải lấy y đức làm trọng chứ không thể đặt lợi nhuận là mục tiêu tối thượng. Một yêu cầu quan trọng đặt ra trong thực tế hiện nay là mọi sai phạm phải được xử lý nghiêm minh bởi sức khỏe, sinh mạng con người là vô giá. Để làm được điều đó, trước hết những kẽ hở pháp lý cần được lấp đầy. Đồng thời, chính người thừa hành công vụ - trước hết là những cán bộ, viên chức ngành Y tế thực hiện chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát cần có cái tâm của "từ mẫu". Chỉ khi đó, những phòng khám vi phạm mới không thể "thay hình đổi dạng" theo kiểu "ve sầu thoát xác"; những phòng khám chưa bảo đảm điều kiện hoạt động sẽ được ngăn chặn kịp thời.. Và cũng chỉ khi đó mới không còn những vụ việc đau lòng rộ lên như thời gian gần đây. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải lấy y đức làm trọng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.