Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường giám sát, hậu kiểm!

Mai Lâm| 27/03/2017 06:17

(HNM) - Công chứng là một nghề hết sức đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, trung thực, đạo đức nghề nghiệp rất cao, bởi lẽ nếu không tinh tường, chính xác, hậu quả sẽ khôn lường. Chẳng vậy mà Quốc hội đã phải ban hành luật quy định riêng cho công việc này: Luật Công chứng.

Bên cạnh phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp còn có các văn phòng công chứng hoạt động theo các quy định Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Việc hình thành các văn phòng công chứng, đặc biệt tại các thành phố lớn đã tạo thuận lợi đáng kể, giúp người dân không phải xếp hàng chen chúc, chờ đợi ...

Đó là mặt được, vô cùng tích cực!

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các văn phòng công chứng cũng làm nảy sinh những hệ lụy khôn lường, nhất là khi công tác quản lý không theo kịp. Như đã nói, công chứng là nghề đòi hỏi độ tinh tường, chính xác rất cao, đòi hỏi công chứng viên phải cực kỳ tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp. Hằng năm các công chứng viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng. Thế nhưng, thời gian qua, vẫn xảy ra không ít vụ việc do công chứng không chính xác, thậm chí “lạm dụng chức vụ quyền hạn”, cố tình công chứng sai quy trình. Khi trình độ nghiệp vụ yếu, công chứng viên bị các đối tượng “qua mặt” bởi những bộ tài liệu giả con dấu, chữ ký tinh vi, dẫn tới “tiếp tay” cho đối tượng lừa đảo. Tháng 4-2010, một công chứng viên của Văn phòng Công chứng Việt Tín (có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng) đã tự vẫn khi công chứng hồ sơ giả liên quan tới giao dịch nhà đất. Cũng có công chứng viên, vì có quen biết với đối tượng nên bỏ qua “quy trình công chứng” dẫn tới phải ngồi tù vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Sở Tư pháp Hà Nội hiện đang xác minh sai phạm xảy ra tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Văn Thu (huyện Thạch Thất) về thông tin đã “sao y bản chính” cho gần 200 văn bản khác nhau như: Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được… tải về từ internet!?

Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác. Với sự tự chủ tài chính, nếu thiếu đạo đức nghề nghiệp, rõ ràng hoàn toàn công chứng viên có thể cứ “đóng dấu công chứng” để rồi “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Tất nhiên, những loại giấy tờ tưởng “chẳng chết ai” như “chứng nhận an toàn thực phẩm” rởm, “chứng chỉ hành nghề” rởm… lại có thể gây hại rất lớn cho xã hội. Tất nhiên, khi bị phát giác, công chứng viên sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc trước pháp luật, phải bồi thường theo quy định pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Thế nhưng, khi sự đã rồi, hậu quả không dễ khắc phục. Vật chất có thể bồi thường, nhưng với “giấy chứng nhận an toàn thực phẩm” rởm, “chứng chỉ hành nghề” rởm trong lĩnh vực liên quan tới sức khỏe con người…, việc bồi thường sẽ tiến hành ra sao?, căn cứ vào đâu để xử phạt, bồi thường?

Rất khó giải đáp thấu đáo những câu hỏi này!

Do vậy, tốt nhất là phải ngăn chặn từ gốc, nâng cao chất lượng công chứng. Trước hết, không gì khác là nâng cao chất lượng kiểm tra, sát hạch nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức công chứng viên. Các văn phòng công chứng cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính liên thông với các cơ quan hành chính nhà nước để nâng cao chất lượng kiểm tra, đối soát hồ sơ. Ngoài ra, các cơ quan hữu trách cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của công chứng viên, văn phòng công chứng, tăng cường hậu kiểm. Khi và chỉ khi làm tốt những nhiệm vụ trên, mới có thể hoàn toàn yên tâm với chất lượng hoạt động công chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát, hậu kiểm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.