Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh chồng lấn trong quy hoạch

Đức Duy| 28/03/2017 06:30

(HNM) - Đề án “Xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa (ĐTH) trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020” (Đề án) do Bộ Xây dựng dự thảo trình Chính phủ đã nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương và người dân. Nhiều người cho rằng, Đề án có tính ưu việt khi kết hợp hài hòa lợi ích trong xây dựng NTM và phát triển đô thị.


Nội dung trọng tâm của Đề án nêu bật việc xây dựng NTM phải theo hướng đô thị hài hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Với cấp huyện, phải hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phục vụ dân sinh gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn huyện và từng tiểu vùng trong huyện, làm tiền đề cho phát triển đô thị nhỏ tại địa phương. Đề án cũng hướng tới định hướng phát triển các khu chức năng, cơ sở hạ tầng tại các huyện có tốc độ ĐTH cao để bảo đảm yêu cầu xây dựng NTM trong giai đoạn 2017-2020...

Thực tế tại Hà Nội - địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM và có quá trình ĐTH diễn ra mạnh mẽ đã có nhiều bài học về việc không ít vùng nông thôn "sau một đêm thành quận" nhưng quy hoạch hạ tầng giao thông một số phường vẫn là cấp làng, cấp xã, phố trong làng. Hay có nơi, thời điểm đón Bằng công nhận NTM thì cũng là lúc nhiều công trình xây dựng theo quy hoạch NTM nhường chỗ cho các dự án đô thị triển khai trên địa bàn... Điều đó cho thấy, ĐTH là một quá trình tất yếu, bởi suy cho cùng mục tiêu của ĐTH chính là để nâng cao điều kiện sống của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị. Và xây dựng NTM cũng có chung mục đích ấy.

Để Đề án phát huy tính ưu việt là kết hợp được một cách hài hòa lợi ích trong xây dựng NTM và phát triển đô thị thì nội dung cần bám sát các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khung khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020... Việc thực hiện Đề án cũng cần huy động mọi nguồn lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương.

Cũng cần lưu ý là trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phải có sự đồng bộ, khớp nối tốt giữa hạ tầng NTM hiện tại và đô thị trong tương lai. Tránh tình trạng đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng theo quy hoạch NTM rồi đến khi phát triển đô thị lại dỡ ra làm lại, gây tốn kém về nguồn lực. Muốn vậy, cần có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch NTM và quy hoạch đô thị. Có như vậy mới tránh được tình trạng chồng lấn quy hoạch và Đề án “Xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020” phát huy hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh chồng lấn trong quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.